Ngày 6/10, Quốc hội Pháp đã thông qua một dự luật liên quan đến vấn đề lao động trẻ em, trong bối cảnh ngày càng có nhiều những "ngôi sao nhí" kiếm được thu nhập khủng nhờ sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội.
Ngày càng có nhiều "ngôi sao nhí mạng xã hội" với số lượng lớn người theo dõi thu hút người xem theo dõi cuộc sống gia đình và ở trường của các em khi các em đang thảo luận về các vấn đề hàng ngày từ bị bắt nạt cho đến âm nhạc hoặc đánh giá các sản phẩm.
Số tiền lớn kiếm được từ các "ngôi sao nhí" này, có trường hợp lên tới hàng triệu USD mỗi năm, đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ các bậc cha mẹ có lòng tham sẽ khuyến khích con mình dành nhiều thời gian hơn cho việc đăng tải video trên mạng xã hội thay vì tập trung cho việc học tập.
Chính vì vậy, để giải quyết các vấn đề như độ tuổi nào trẻ em có thể trở thành các "hiện tượng mạng" trên YouTube hoặc Instagram, liệu các em có phải là lao động trẻ em và ai sẽ quản lý tiền do các em kiếm được, chính phủ Pháp đã nghiên cứu và ban hành luật quản lý về lĩnh vực này.
[Nhiều người nổi tiếng bị lộ việc làm giả lối sống "sang chảnh"]
Theo dự luật, thu nhập của những "ngôi sao mạng xã hội" nhí sẽ được cất giữ trong một tài khoản ngân hàng đặc biệt cho đến khi các em đủ 16 tuổi. Các nhãn hàng muốn tài trợ cho các em để quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội sẽ phải được sự cấp phép của chính quyền địa phương, nếu không sẽ bị khởi kiện.
Dự luật cũng cho phép các em được quyền yêu cầu các nền tảng xã hội trực tuyến dỡ bỏ các nội dung mà các em đăng tải. Các quy định này áp dụng đối với những bé trai, bé gái sử dụng các nền tảng mạng xã hội với mục đích kiếm tiền
Dự kiến, dự luật sẽ được trình Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để ký ban hành. Nghị siỹ Bruno Studer, người bảo trợ luật này, cho rằng vấn đề lao động trẻ em trên không gian mạng ở Pháp cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới chưa được đưa vào ban hành thành luật.
Nhận định về dự luật vừa được Quốc hội phê chuẩn, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về trẻ em và gia đình của Pháp, Adrien Tacquet, cho rằng đây là một dự luật "chặt chẽ và công bằng."
Hình thức quảng cáo qua những người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đang ngày càng trở thành một xu hướng trong những năm gần đây. Theo ước tính của hãng Influencer Marketing Hub, trong năm nay, các nhãn hàng dự kiến chi 10 tỷ USD (8,5 tỷ euro) cho những "ngôi sao mạng xã hội" để họ quảng bá sản phẩm của mình trên tài khoản cá nhân, so với mức chi 6,5 tỷ USD trong năm 2019.
Doanh thu từ quảng cáo trên các kênh có nhiều lượt theo dõi nhất trên các trang web đình đám như YouTube và Google có thể lên đến hàng triệu USD. Trong khi đó, hãng nghiên cứu Pew cho biết 81% số phụ huynh ở Mỹ có con dưới 11 tuổi cho con xem video trên YouTube./.