Pháp thông qua dự luật cải cách hệ thống hưu trí

Hạ viện Pháp thông qua dự luật cải cách hệ thống hưu trí, theo đó, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng lên ở mức từ 62 -65 tuổi.
Hạ viện Pháp đêm 10/9 đã thông qua dự luật cải cách hệ thống hưu trí do chính phủ đề xuất, theo đó kể từ nay đến năm 2018 sẽ tăng dần độ tuổi nghỉ hưu của người lao động lên mức tối thiểu là 62 tuổi so với quy định hiện hành là 60 tuổi.

Ngoài ra, Quốc hội Pháp cũng thông qua một dự luật khác theo đó sẽ tăng độ tuổi nghỉ hưu tối đa, từ 65 hiện nay lên 67 tuổi, tức người nghỉ hưu sẽ được hưởng toàn bộ mức lương như đang làm việc nếu có thời gian cống hiến khoảng 40 năm trở lên.

Theo luật được thông qua từ năm 1983, dưới thời Tổng thống Francois Mitterrand, tuổi nghỉ hưu tối thiểu là 60 và tối đa là 65 tuổi.

Trước đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã yêu cầu các nghị sĩ thuộc đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của ông thúc đẩy kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí, khẳng định đây là một trong những ưu tiên cải cách của chính phủ nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách đang đe dọa tới nền kinh tế.

Ngay sau khi Hạ viện Pháp thông qua dự luật cải cách, các công đoàn lao động trên cả nước tuyên bố sẽ tiến hành cuộc tổng bãi công một ngày vào 23/9 để phản đối kế hoạch cải cách trên.

Dư luận người lao động ở Pháp đã không ủng hộ dự luật này, bởi lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người lao động vốn hiện rất khó khăn.

Từ mấy tháng qua, các tổ chức công đoàn lớn ở Pháp liên tiếp phát động các đợt đấu tranh phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ.

Cuộc bãi công và biểu tình lớn nhất trong hai ngày 6 và 7/9, với 2 triệu 500 nghìn người tham gia, là làn sóng biểu lớn thứ ba kể từ giữa tháng 4/2010, khi kế hoạch cải cách được Bộ trưởng Lao động Pháp Eric Woerth thông báo trong cuộc họp với các nghiệp đoàn và đại diện giới chủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục