Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ sớm công bố các biện pháp mới nhằm giải cứu ngành công nghiệp ôtô của nước này, vốn đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội và suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Gói các biện pháp hỗ trợ mới dự kiến sẽ bao gồm các khoản trợ cấp của chính phủ cho người tiêu dùng mua ôtô điện, bên cạnh những ưu đãi khác để khuyến khích người dân từ bỏ ôtô cũ và mua xe mới có lượng phát thải thấp hơn.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh doanh số bán ôtô tại Pháp trong tháng 4/2020 đã giảm khoảng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, giữa lúc các cửa hàng bán xe phải đóng cửa và các nhà máy ngừng sản xuất.
[Pháp cảnh báo nguy cơ hãng xe Renault biến mất khỏi thị trường]
Bên cạnh đó, kế hoạch hỗ trợ ngành ôtô của Chính phủ Pháp được công bố vào thời điểm đặc biệt quan trọng đối với Renault, khi hãng chế tạo ôtô này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ do đại dịch COVID-19 gây ra.
Trước đó, ngày 25/5, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết các nhà sản xuất ôtô phải cam kết đưa hoạt động sản xuất trở lại “sân nhà” để đổi lấy các biện pháp hỗ trợ.
Song đối với Renault, ông Le Maire cho biết sự sống còn doanh nghiệp này đang bị đe dọa. Vì thế Chính phủ sẽ không yêu cầu Renault phải duy trì tất cả nhân công và cơ sở hoạt động tại Pháp để đổi lấy các khoản cứu trợ.
Ngoài nước Pháp, ngành sản xuất ôtô ở các quốc gia khác cũng đang gặp khó khăn. Các nhà sản xuất ôtô của Mỹ chưa nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ chính phủ nhưng các đại lý và nhà cung cấp ôtô có thể đăng ký các khoản vay lãi suất thấp.
Tuy nhiên, một số chính trị gia của Mỹ không muốn hỗ trợ ngành ôtô sau khi ngành này đã nhận được khoản cứu trợ khổng lồ sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Liên doanh Mỹ-Italy Fiat Chrysler đã đề nghị Chính phủ Italy hỗ trợ khoản vay trị giá 6,3 tỷ euro (6,9 tỷ USD).
Song điều này đã làm dấy lên những tranh cãi về việc liệu Chính phủ Italy có nên cung cấp khoản hỗ trợ tài chính như vậy cho các công ty có trụ sở pháp lý ở nước ngoài hay không.
Như trong trường hợp của Fiat Chrysler, công ty này có trụ sở chính tại Hà Lan trong khi cơ sở tài chính đặt tại Anh./.