Pháp, Saudi Arabia kêu gọi chấm dứt "khoảng trống chính trị" ở Liban

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh tình trạng không có Tổng thống kéo dài "vẫn là trở ngại lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng của Liban."
Pháp, Saudi Arabia kêu gọi chấm dứt "khoảng trống chính trị" ở Liban ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại cuộc gặp ở Paris ngày 16/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/6, Điện Elysee thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman kêu gọi "chấm dứt nhanh chóng khoảng trống chính trị thể chế ở Liban."

Phát biểu sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Paris, Tổng thống Pháp nhấn mạnh tình trạng không có Tổng thống kéo dài "vẫn là trở ngại lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng của Liban."

Tổng thống Macron và Thái tử Saudi Arabia "cũng nhắc lại cam kết chung về an ninh và ổn định ở vùng Cận Đông và Trung Đông, đồng thời bày tỏ mong muốn theo đuổi những nỗ lực chung nhằm giảm thiểu căng thẳng lâu dài."

Về quan hệ song phương, hai bên mong muốn "phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa hai nước." Pháp sẵn sàng "hỗ trợ Saudi Arabia tăng cường khả năng phòng thủ" và Macron nhấn mạnh "các công ty Pháp sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Saudi Arabia thực hiện kế hoạch Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng."

[Bầu cử thất bại, Chủ tịch Quốc hội Liban kêu gọi đối thoại quốc gia]

Tổng thống Macron từng được cho là sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Thái tử Mohammed bin Salman để tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc chính trị ở Liban - điều khiến Pháp ngày càng khó chịu.

Các nhà lập pháp Liban hôm 14/6 đã lần thứ 12 thất bại trong việc bầu ra tổng thống mới, người sẽ kế nhiệm ông Michel Aoun vốn đã hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2022.

Việc Quốc hội Liban chưa thể bầu ra tổng thống được choà sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ nội bộ tại Liban trong khi đất nước rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới.

Tỷ lệ lạm phát ở Liban trong tháng 4/2023 đã lên tới 269% do đồng bảng Liban tiếp tục mất giá so với đồng USD. Đây là mức siêu lạm phát tháng thứ 34 liên tiếp ở Liban.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định kinh tế Liban đã giảm khoảng 58% trong giai đoạn 2019-2021 với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ khoảng 52 tỷ USD năm 2019 xuống còn 21,8 tỷ USD năm 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục