Pháp phản đối áp dụng quy định về GMO đối với cây trồng chỉnh sửa gene

Pháp cho rằng cây trồng được phát triển bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene khác với sinh vật biến đổi gene (GMO), do đó nước này phản đối quyết định của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).
Pháp phản đối áp dụng quy định về GMO đối với cây trồng chỉnh sửa gene ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Pháp cho rằng cây trồng được phát triển bằng kỹ thuật chỉnh sửa gene khác với sinh vật biến đổi gene (GMO), do đó nước này phản đối quyết định của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) áp dụng các quy định nghiêm ngặt về GMO đối với cây trồng chỉnh sửa gene.

Năm 2018, ECJ ra phán quyết cây trồng thu được bằng kỹ thuật đột biến gene (mutagenesis) cũng là GMO trong định nghĩa của luật “Hướng dẫn về GMO" ban hành năm 2001.

Phán quyết cho rằng các kỹ thuật và phương pháp gây giống mới dựa trên chỉnh sửa gene có chọn lọc (NBT) làm thay đổi vật liệu di truyền của sinh vật theo cách không xảy ra trong tự nhiên, do đó phải áp dụng các quy định theo luật về GMO.

Quyết định của ECJ đã nhận được sự ủng hộ của một số nhà hoạt động môi trường coi GMO là một nguy cơ đối với hệ sinh thái. Các nhà sản xuất cây giống và nhiều nhà khoa học cho rằng GMO ảnh hưởng đến năng lực nghiên cứu nông nghiệp của châu Âu.

[Câu chuyện dài kỳ về lệnh cấm thực phẩm biến đổi gene của Thụy Sĩ]

Tuy nhiên, phát biểu ngày 18/1, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Julien Denormandie cho rằng NBT không phải là GMO. Ông nhấn mạnh kỹ thuật NBT cho phép phát triển nhanh một giống cây mà đến một thời điểm nào đó có thể xuất hiện một cách tự nhiên, và đó là điều rất tốt, do đó không nên áp dụng với NBT các quy định đối với GMO.

Cuối năm 2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu tiến hành nghiên cứu về vấn đề này và dự kiến báo cáo nghiên cứu sẽ được đệ trình vào tháng 4 năm nay. Chính phủ Pháp hiện tại cũng đang xem xét cách thức phản ứng với phán quyết của Tòa án tối cao Pháp năm ngoái về việc điều chỉnh các quy định về chỉnh sửa gene phù hợp với quyết định của ECJ. 

Trong khi đó, hồi đầu tháng, Bộ trưởng Nông nghiệp Anh cho biết sẽ tham vấn công khai vấn đề chỉnh sửa gene trong nông nghiệp, cho rằng việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cho phép London thiết lập các quy định riêng về vấn đề này. 

Pháp là quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn nhất ở châu Âu và là một trong những nước EU cấm trồng các giống cây GMO. Việc áp dụng quy định theo ECJ được cho là sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp nội khối EU cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục