Pháp: Paris tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành 'thủ đô xe đạp'

Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của xe đạp không phải nhờ “chất xúc tác” COVID-19, mà đây là kết quả của nhiều năm qua khi chính quyền thành phố Paris nỗ lực cải thiện tình trạng tắc đường.
Pháp: Paris tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành 'thủ đô xe đạp' ảnh 1Số lượng người đi xe đạp ở Paris tăng mạnh. (Nguồn: Wanderlustcrew)

Số lượng người đi xe đạp trên đường phố Paris đã tăng hơn 50% sau khi Pháp dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa kéo dài hai tháng hồi tháng Năm.

Chính quyền thủ đô Paris đã quy hoạch các làn đường xe đạp tạm thời với tổng chiều dài 50km trong giai đoạn phong tỏa ở các tuyến đường vành đai, và thêm 100km ở vùng ngoại ô của Paris.

Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của xe đạp không phải nhờ “chất xúc tác” COVID-19, mà đây là kết quả của nhiều năm qua khi chính quyền thành phố Paris nỗ lực cải thiện tình trạng đường phố kẹt cứng với các phương tiện giao thông gây ô nhiễm.

Trong giai đoạn các cuộc đình công kéo dài nhiều tuần vào tháng 12 năm ngoái và tháng Một năm nay, số lượng người đi xe đạp trên một số đường phố đã tăng gấp đôi. Xu hướng này đã lặp lại sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

Hơn 15.000 người đã đăng ký sử dụng một năm trên Velib', hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng ở Paris, trong tuần đầu tiên của tháng Năm.

Nhiều người dân Paris cũng tái sử dụng những chiếc xe đạp cũ của họ sau khi Chính phủ Pháp thực hiện chương trình phát 50 euro (57 USD) để giúp người dân sửa chữa xe đạp cũ. Sáng kiến khuyến khích người dân đi xe đạp, đã được đưa ra vào ngày 11/5, với ước tính ngân sách trị giá khoảng 20 triệu euro.

[Xe đạp "lên ngôi" ở nhiều nước trong đại dịch COVID-19]

Olivier Schneider, người đứng đầu Liên đoàn des Usager de la Bicyc Muff, một tổ chức bao gồm 365 nhóm vận động đạp xe trên khắp nước Pháp, cho biết chương trình trên dự kiến sẽ giúp sửa chữa 300.000 xe đạp cũ từ nay đến cuối năm 2020. Nhưng con số mục tiêu này đã gần hoàn thành chỉ trong vòng một tháng rưỡi.

Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, Hà Lan là quốc gia châu Âu đầu tiên đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng xe đạp. Vào cuối những năm 1970, Đan Mạch cũng đã thúc đẩy xu hướng sử dụng xe đạp sau khi một thiết kế mạng lưới đường cao tốc được đề xuất có chi phí quá đắt đỏ.

Thủ đô Paris kể từ năm 2015 cũng đã đã đầu tư 150 triệu euro với mục tiêu trở thành một trong những "thủ đô xe đạp” trên thế giới. Kế hoạch này bao gồm mục tiêu tăng gấp đôi chiều dài làn đường xe đạp từ 700km đến 1.400km, quy hoạch 10.000 điểm đỗ xe đạp và nâng cấp hệ thống Velib’.

Các nỗ lực cắt giảm lưu lượng xe ôtô ở Pháp không giới hạn ở thủ đô. Theo ông Stephane Beaudet, thị trưởng của Evry-Courcouronnes, một vùng ngoại ô cách Paris khoảng 30km, 70 thành phố và thị trấn quanh Paris cũng có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp.

Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng xe đạp trên toàn khu vực đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1995, lên 25 triệu euro mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục