Pháp: Làn sóng đình công tiếp diễn trong ngành năng lượng

Đình công kéo dài khiến nguồn cung nhiên liệu bị tê liệt trong khi hoạt động của các lĩnh vực công như vận tải, trường học... cũng chịu ảnh hưởng, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với ông Macron.
Pháp: Làn sóng đình công tiếp diễn trong ngành năng lượng ảnh 1Người dân tham gia đình công tại Rennes, Pháp, ngày 18/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Pháp tiếp tục đối mặt với những gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội do làn sóng đình công vẫn tiếp diễn sau gần 3 tuần, sau khi các nghiệp đoàn lớn kêu gọi tiến hành cuộc đình công trên cả nước vào ngày 18/10.

Đình công kéo dài khiến nguồn cung nhiên liệu bị tê liệt trong khi hoạt động của các lĩnh vực công như vận tải, trường học... cũng chịu ảnh hưởng, đồng thời đặt ra thách thức lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi ông tái đắc cử hồi tháng Năm vừa qua.

Kể từ rạng sáng ngày 18/10, Gare de Lyon - một trong những ga tàu quan trọng tại thủ đô Paris - đã chật cứng do lượng hành khách đổ xô đến khu vực trung tâm để tham gia tuần hành.

Nhà điều hành đường sắt công cộng SNCF cho biết 50% các tuyến đường sắt khu vực đã ngưng hoạt động song không gây ảnh hưởng đến các tuyến vận tải quốc gia.

[Pháp hướng tới khai thác nguồn năng lượng từ khí methane]

Bộ trưởng Giao thông vận tải Clement Beaune đã cảnh báo hoạt động đường sắt của SNCF có thể "chịu gián đoạn nghiêm trọng," trong khi nhà điều hành RATP cho biết các dịch vụ di chuyển đến ngoại ô khu vực Paris cũng như các dịch vụ xe buýt cũng sẽ chịu ảnh hưởng vì đình công.

Trong khi đó, hoạt động dạy và học cũng bị gián đoạn khi dữ liệu của Bộ Giáo dục cho thấy dưới 10% giáo viên trung học phổ thông cũng tham gia vào cuộc đình công trong ngày, còn ở cấp tiểu học con số này thấp hơn.

Làn sóng đình công lan rộng sang cả các lĩnh vực khác trong ngành năng lượng, trong đó công ty hạt nhân EDF cũng chịu tác động, khiến công tác bảo trì đối với nguồn cung năng lượng châu Âu bị trì hoãn.

Đối diện với tình trạng trên, người phát ngôn của chính phủ Olivier Veran cho biết các nhà chức trách có thể ban bố quyết định bổ sung nhân sự ngành dầu khí trong ngày nhằm ứng phó với tình trạng đình trệ tại các trạm xăng trên toàn quốc.

Phát biểu trên kênh France 2 TV, bà Veran cho biết chính phủ sẽ đưa ra quyết định bổ sung nhân sự dựa trên tình hình thực tế, đồng thời nhấn mạnh đây "không phải một tình huống thông thường" khi làn sóng đình công vẫn lan rộng dù đã đạt được một số thỏa thuận nhất định.

Trước đó, công nhân trong ngành năng lượng đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục bãi công tại một số nhà máy lọc dầu do TotalEnergies vận hành, đồng thời bác bỏ thỏa thuận tăng lương vốn đã được nhất trí giữa ban lãnh đạo TotalEnergies và nghiệp đoàn lớn nhất trong lĩnh vực công CGT, bất chấp việc Chính phủ Pháp sử dụng biện pháp khẩn cấp để yêu cầu nhân viên trong ngành này trở lại làm việc.

Các cuộc đình công trong ngành năng lượng Pháp đã kéo dài gần 3 tuần khiến nguồn cung nhiên liệu nước này thiếu hụt nghiêm trọng.

Thực tế này đã khiến nhiều trạm xăng không có xăng bán cho người dân và chỉ  30% số trạm xăng được cung ứng xăng dầu.

Chính phủ Pháp cho biết 3 trong số 7 nhà máy lọc dầu và 5 nhà kho chứa dầu lớn đã bị ảnh hưởng do làn sóng bãi công này, đồng thời cảnh báo phải mất ít nhất 2 tuần sau khi các cuộc đình công kết thúc để nguồn cung xăng dầu trở lại bình thường.

Cùng ngày, tập đoàn dầu khí Exxon Mobil cũng xác nhận có thể mất khoảng 2-3 tuần để hoàn toàn nối lại hoạt động tại các nhà máy lọc dầu của Pháp.

Nghiệp đoàn CGT cho biết cuộc đình công tại nhà máy lọc dầu Fos-sur-Mer đã kết thúc cuối tuần trước.

Tuy nhiên, Exxon Mobil vẫn sẽ mất đến vài tuần để đạt được mức sản lượng 140.000 thùng/ngày tại nhà máy lọc dầu fos-Sur-Mer và 240.000 thùng/ngày tại nhà máy lọc dầu Port Jerome-Gravenchon như trước đây.

Người phát ngôn của Exxon Mobil cho biết cuộc đình công đang diễn ra trên cả nước không ảnh hưởng đến việc hoạt động trở lại của các nhà máy lọc dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục