Ngày 14/10, Pháp đã kêu gọi Quốc hội Mỹ không phá vỡ thỏa thuận hạt nhân mà Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) đã ký năm 2015, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Pháp "rất hy vọng Quốc hội Mỹ, cơ quan hiện chịu trách nhiệm đối với khả năng thỏa thuận đổ vỡ, không gây hại cho thỏa thuận này.”
Ông Le Drian cho rằng nếu bãi bỏ một thỏa thuận đã được đánh giá cao sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tiến hành các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Pháp đánh giá thỏa thuận hạt nhân trên có tính ràng buộc chặt chẽ, giúp hạn chế phổ biến hạt nhân cũng như ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán thêm với Tehran sau thời hạn năm 2025 khi một số hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran dự kiến hết hiệu lực.
Nếu thỏa thuận hạt nhân được tuân thủ, Iran sẽ được hưởng đầy đủ các quyền của nước này theo hiệp ước không phổ biến hạt nhân. Ngoại trưởng Pháp cho rằng đến thời hạn trên nếu cần thực hiện thanh tra thì sẽ đàm phán với Iran.
[Mỹ có thể bị cô lập tại HĐBA nếu hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran]
Trước đó ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không xác nhận Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử có tên gọi chính thức là "Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Như vậy, một lần nữa, Tổng thống Trump lại "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát.
Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.
Ông Trump cho biết chính phủ sẽ làm việc với Quốc hội và các nước đồng minh để xử lý "những lỗi nghiêm trọng của thỏa thuận," và trong trường hợp các nỗ lực thất bại, ông có thể rút lại sự tham gia của Mỹ đối với thỏa thuận này.
Trước đó, Nga và Đức đã bày tỏ quan ngại về hậu quả nếu Mỹ rút khỏi JCPOA. Điện Kremlin tuyên bố nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận trên sẽ gây ra những hậu quả hết sức tiêu cực, chắc chắn sẽ gây tổn hại bầu không khí an ninh, ổn định và không phổ biến hạt nhân trên toàn thế giới."
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert nhấn mạnh Đức có lợi ích lớn trong việc duy trì sự đoàn kết quốc tế mà cụ thể ở đây là thỏa thuận hạt nhân Iran./.