Viện thống kê quốc gia Pháp (INSEE) vừa điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế, theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp sẽ đạt mức tăng 0,4% trong 2 quý đầu năm 2019 so với 0,3% dự báo đưa ra hồi cuối năm ngoái.
Đối với cả năm 2019, INSEE dự kiến tăng trưởng trung bình gần 1,5%, trong khi Ngân hàng trung ương Pháp dự báo mức tăng 1,4%. Về phần mình, hai Bộ Kinh tế và Tài chính công vẫn giữ dự báo năm ở mức 1,7%.
Theo các nhà phân tích, ngay cả ở mức thấp 1,4%, tăng trưởng kinh tế của Pháp vẫn vượt trung bình của khu vực đồng euro, dự kiến khoảng 1% trong năm 2019.
Sự tăng trưởng ổn định này sẽ giúp Pháp tạo ra nhiều việc làm hơn. INSEE dự tính tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp sẽ giảm xuống còn 8,7% vào giữa năm 2019, so với 8,8% cuối năm 2018.
[Sức hút đầu tư của Pháp vẫn mạnh mẽ bất chấp phong trào áo vàng]
Theo các nhà phân tích, Pháp giữ vững mức tăng trưởng ổn đinh là nhờ 2 lý do. Trước hết, so với các nước láng giềng, Pháp không phải chịu hậu quả lớn từ những căng thẳng trong thương mại quốc tế, điều đã dẫn đến tăng trưởng chậm của Trung Quốc và khởi đầu sự suy giảm của kinh tế Mỹ.
Cú sốc kép này trên thực tế đã giáng một đòn mạnh vào các nhà xuất khẩu Đức, nước hiện chỉ kỳ vọng mức tăng trưởng 0,8% trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Pháp đang được bảo vệ do nền kinh tế mở cửa tương đối yếu trên thị trường quốc tế.
Việc Tổng thống Emmanuel Macron dùng ngân sách để đối phó với cuộc khủng hoảng "Áo vàng" giúp nước Pháp trụ vững trước những thời điểm khó khăn.
Các biện pháp khẩn cấp được công bố vào tháng 12/2018 thúc đẩy sức mua của các hộ gia đình, vốn đã được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhà ở và giảm mức đóng góp bắt buộc của người lao động vào các quỹ bảo trợ xã hội.
Một trong số các biện pháp hiệu quả là trong 3 tháng đầu năm 2019, hơn 2 triệu người lao động được hưởng các khoản thưởng đặc biệt từ 100 đến 1.000 euro không bị đánh thuế thu nhập.
INSEE ước tính vào giữa năm 2019, sức mua của các hộ gia đình sẽ tăng 1,8%, cao hơn nhiều so với 1,2% năm 2018 và 1,4% năm 2017.
Mặt khác, INSEE cũng đưa ra đánh giá tác động của phong trào "Áo vàng" đối với nền kinh tế. Theo đó, mặc dù phong trào đã gây ra hậu quả cục bộ nghiêm trọng, song sự tác động đến kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn yếu hơn so với ảnh hưởng đến bức tranh chính trị và truyền thông./.