Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3/2 chủ trì cuộc họp đầu tiên trong một loạt cuộc họp về chính sách hạt nhân nhằm thảo luận vấn đề đầu tư và tái chế chất thải hạt nhân.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh nước Pháp đang ngày càng dựa nhiều hơn vào điện hạt nhân và phải đảm bảo an toàn chất thải hạt nhân.
Hiện nay, vùng La Hague ở Tây Bắc nước Pháp là địa điểm duy nhất của nước này có khả năng xử lý và tái chế một phần nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Các bề chứa làm nguội nhiên liệu hạt nhân tại cơ sở ở La Hague có thể đầy vào cuối thập niên này và công ty nhà nước Orano - đơn vị vận hành các bể chứa này - cho biết chính phủ cần đề ra chiến lược dài hạn để hiện đại hóa các cơ sở tái chế trước năm 2025.
Pháp dựa vào điện hạt nhân đáp ứng khoảng 70% nhu cầu năng lượng của nước này. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 1976, cơ sở La Hague đã xử lý gần 40.000 tấn vật liệu phóng xạ và tái chế một phần thành nhiên liệu hạt nhân có thể tái sử dụng.
Tuy nhiên, công ty điện lực EDF cho biết 4 bể chứa làm nguội hiện nay có thể đầy vào năm 2030. EDF vận hành 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp, số lượng lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.
[Pháp tìm cách đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án năng lượng tái tạo]
Khi các bể chứa đầy, các lò phản ứng hạt nhân của Pháp sẽ không có nơi nào để chứa nhiên liệu đã sử dụng và sẽ phải đóng cửa. Kịch bản này khiến Tòa kiểm toán Pháp năm 2019 xác định La Hague là "một điểm nhạy cảm quan trọng."
EDF đang thúc đẩy xây dựng thêm một bể làm nguội tại La Hague, với chi phí 1,25 tỷ euro (1,37 tỷ USD) để chứa nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng - bước đầu tiên trước khi chất thải có thể được xử lý.
Tuy nhiên, bể chứa này sẽ chưa đi vào hoạt động được ít nhất cho đến năm 2034.
Tháng 1 vừa qua, Cơ quan quốc gia Pháp về xử lý chất thải hạt nhân đã yêu cầu phê duyệt một dự án cất giữ lâu dài chất thải phóng xạ ở mức cao.
Theo kế hoạch mang tên Cigeo, chất thải sẽ được chôn sâu 500m dưới lòng đất trong một khung đất sét ở miền Đông nước Pháp. Dự kiến cơ sở sẽ được xây dựng vào năm 2027 nếu được phê duyệt./.