Truyền thông Nhật Bản ngày 20/1 cho biết chính phủ Pháp đã đề nghị phía Nhật Bản chấp nhận phương án sáp nhập hai tập đoàn sản xuất ôtô Renault và Nissan sau vụ bắt giữ cựu Chủ tịch Nissan Carlos Ghosn vì các cáo buộc sai phạm tài chính.
Đề nghị trên được đưa ra tại cuộc thương lượng giữa giới chức Nhật Bản và Pháp tại thủ đô Tokyo ngày 17/1.
Phái đoàn Pháp, gồm Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý vốn nhà nước và cũng là Giám đốc Renault - ông Martin Vial cùng với Chánh Văn phòng Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính - ông Emmanuel Moulin, đã đến Tokyo tuần trước để gặp giới chức Bộ Công nghiệp Nhật Bản và Giám đốc điều hành (CEO) Nissan Hiroto Saikawa nhằm thảo luận về tương lai của liên minh Nissan, Renault và Mitsubishi.
Ngày 16/1 vừa qua, chính phủ Pháp kêu gọi hãng sản xuất ôtô Renault tìm người thay Giám đốc điều hành (CEO) hiện tại là ông Ghosn, cựu Chủ tịch Nissan bị tam giam khoảng 2 tháng qua tại Nhật Bản vì các cáo buộc sai phạm tài chính.
[Hướng đi nào cho hãng xe Nissan thời hậu Carlos Ghosn?]
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire hối thúc ban lãnh đạo Renault nhóm họp để chọn ra một CEO mới lãnh đạo hãng lâu dài, thay ông Ghosn. Bộ trưởng Le Maire đưa ra một số đề xuất cho vị trí CEO của Renault, trong đó đáng chú ý có CEO Jean-Dominique Senard của Tập đoàn sản xuất lốp xe nổi tiếng thế giới Michelin.
Nhà nước Pháp là cổ đông lớn nhất trong Renault, sở hữu 15% cổ phần trong hãng này. Trong khi đó, hãng xe Pháp nắm giữ 43% cổ phần tại Nissan.
Ông Ghosn, doanh nhân 64 tuổi mang 3 quốc tịch Pháp, Brazil và Liban, bị bắt giữ lần đầu tiên hồi tháng 11/2018 và vẫn bị giam tại Tokyo.
Ông Ghosn bị cáo buộc gian lận trong kê khai thu nhập cá nhân trong 8 năm đến tháng 3/2018 và chuyển các khoản đầu tư cá nhân thua lỗ vào bản hạch toán kinh doanh của Nissan trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cựu Chủ tịch Nissan luôn bác bỏ những cáo buộc này.
Ông Carlos Ghosn là người đứng đầu liên minh sản xuất ôtô gồm hãng Renault của Pháp và 2 hãng Nissan, Mitsubishi của Nhật Bản.
Ông được xem là nhân vật quyền lực nhất nhì ngành xe hơi Nhật Bản khi từng giữ vai trò quan trọng giúp Nissan vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cũng như hỗ trợ Mitsubishi chống chọi với thời kỳ kinh doanh giảm sút sau khi hãng này bị cáo buộc làm giả số liệu về chỉ số tiêu thụ nhiên liệu./.