Pháp hối thúc Đức nắm bắt cơ hội lịch sử để cải cách châu Âu

Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire hối thúc Đức nắm bắt cơ hội lịch sử để cải cách châu Âu, với cảnh báo rằng một khi cơ hội bị bỏ lỡ chủ nghĩa dân túy sẽ trỗi dậy tại "lục địa già."
Pháp hối thúc Đức nắm bắt cơ hội lịch sử để cải cách châu Âu ảnh 1 Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/11, sau các cuộc gặp với lãnh đạo các đảng sẽ có mặt trong liên minh cầm quyền của Đức tại Berlin, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire lạc quan cho rằng những bất đồng về cải cách Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) có thể sớm được giải quyết.

Bộ trưởng Le Maire cho biết ông đã có cuộc gặp "tích cực" với ông Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP), một trong những chính đảng đang tham gia đàm phán với liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel nhằm thành lập một chính phủ liên minh mới tại Đức. Ông Christian Lindner cũng được biết đến là người chỉ trích hàng đầu đối với một số sáng kiến của Pháp về khu vực Eurozone.

Bộ trưởng Tài chính Pháp cho biết vẫn có khả năng tháo gỡ những khác biệt giữa hai bên, đồng thời nhấn mạnh liên minh mới tại Đức cần phải "dành chỗ" cho những cuộc đàm phán giữa Berlin với các đối tác khác trong châu Âu liên quan vấn đề cải cách khu vực.

[Ba Lan cảnh báo châu Âu đa tốc độ gây nguy cơ sụp đổ EU]

Ông Le Maire hối thúc Đức nắm bắt cơ hội lịch sử để cải cách châu Âu, với cảnh báo rằng một khi cơ hội bị bỏ lỡ chủ nghĩa dân túy sẽ trỗi dậy tại "lục địa già." Bộ trưởng Tài chính Pháp bày tỏ hy vọng có thể thuyết phục chính phủ mới tại Đức ủng hộ thỏa thuận cải cách Liên minh châu Âu (EU) theo sáng kiến của Pháp mà ông đánh giá là cơ hội duy nhất để cải thiện tình hình và củng cố Eurozone.

Sau gần một thập kỷ EU rơi vào khủng hoảng kinh tế tài chính, và đặc biệt sau cú sốc Anh lựa chọn rời khỏi liên minh, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực thúc đẩy một kế hoạch được cho là giúp kiến tạo một EU hội nhập chặt chẽ hơn thông qua các sáng kiến như ngân sách chung cho Eurozone và hợp tác chặt chẽ hơn trong các vấn đề di cư và quốc phòng.

Tuy hầu hết các sáng kiến này đều nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Merkel nhưng lại vấp phải sự phản đối từ một số thành viên trong đảng bảo thủ và đảng FDP, đặc biệt là kế hoạch ngân sách chung cho Eurozone do lo ngại phát sinh thêm các chi phí cho quốc gia đầu tàu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục