Pháp ghi nhận số bệnh nhân nguy kịch cao nhất kể từ đầu năm

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 385 ca tử vong, cao gấp đôi so với một ngày trước đó, nâng tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên 99.135 ca.
Pháp ghi nhận số bệnh nhân nguy kịch cao nhất kể từ đầu năm ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Le Port-Marly, gần Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, Bộ Y tế Pháp cho biết số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay với 5.916 người, dù nước này đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc mới.

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 385 ca tử vong, cao gấp đôi so với một ngày trước đó, nâng tổng số người không qua khỏi trên cả nước lên 99.135 ca.

Nước này cũng thông báo có thêm 8.536 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh lên 5,07 triệu ca, tăng 4,84% so với con số thông báo cách đây một tuần.

Trong vòng 3 tuần qua, mức tăng số ca nhiễm mới theo tuần trung bình là khoảng 5,6%, thấp hơn nhiều so với mức hai con số ghi nhận trong hầu hết mùa Thu năm ngoái. 

[Cảnh sát Pháp phạt hơn 100 người vi phạm quy định phòng dịch]

Cùng ngày, Chính phủ Anh cũng thông báo số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ ngày 1/4 đến nay với 3.568 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh cũng tăng lên 127.100 ca sau khi có thêm 13 trường hợp tử vong.

Mặc dù vậy, ngày 12/4, Anh - một trong những nước có số ca tử vong cao nhất trên thế giới - đã lần đầu tiên nới lỏng các biện pháp hạn chế trong nhiều tháng qua, cho phép các quán rượu và nhà hàng nối lại dịch vụ ăn uống ngoài trời. Các tiệm làm tóc, phòng tập gym và bể bơi trong nhà cũng được mở cửa trở lại.

Về chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Anh được đánh giá là một trong những nước triển khai thành công chương trình tiêm chủng cùng với các biện pháp phong tỏa giúp giảm 95% số ca tử vong và 90% số ca nhiễm mới kể từ tháng 1. Đến nay, tại Anh, 32,191 triệu người đã nhận được liều đầu tiên và 189.665 người đã nhận được đủ 2 liều.

Tại Romania, với trung bình 4.000 ca nhiễm mới và hơn 100 ca tử vong mỗi ngày, hệ thống y tế của nước này đang phải vật lộn để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Các khu chăm sóc đặc biệt có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải khiến chính phủ phải nỗ lực bổ sung giường bệnh cho các khu này.

Mới đây nhất, ngày 12/4, 3 bệnh nhân COVID-19 cao tuổi tại khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Victor Babes ở Bucharest đã tử vong do máy thở ngừng hoạt động vì sự cố liên quan đến hệ thống cung cấp oxy. Hiện 5 bệnh nhân khác đã được chuyển đến các bệnh viện tại thủ đô Bucharest.

Theo số liệu của hãng tin AFP, tính đến 1h ngày 13/4, tổng số ca tử vong của 52 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu - khu vực chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch - đã vượt quá 1 triệu ca, lên 1.000.288 ca.

Trong khi đó, Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết số ca tử vong do đại dịch COVID-19 gây ra tại châu lục này đã vượt quá 1 triệu ca từ ngày 9/4 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục