Sau nhiều thập kỷ chi tiêu vượt quá khả năng cho phép, trong vài tuần tới, Chính phủ Pháp buộc phải chứng minh rằng nước này sẽ tránh được khủng hoảng ngân sách, nếu không muốn đối mặt với rủi ro bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, gây ảnh hưởng tới uy tín của chính phủ và đương kim Tổng thống Emmanuel Macron.
Hãng tin Reuters (Anh) cho biết đây là một trong những thời điểm tồi tệ nhất của Pháp, vào lúc ông Macron và các đồng minh đang nỗ lực vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào tháng Sáu tới và Paris chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Olympic 2024.
Hiện các dịch vụ công phổ biến nhất của nước này đang đứng trước “ngưỡng cửa” bị cắt giảm.
Một số cuộc biểu tình phản đối Olympic 2024 có khả năng nổ ra trong vài tuần tới.
Lãnh đạo phe bảo thủ Eric Ciotti đã công khai chỉ trích việc quản lý yếu kém các tài khoản quốc gia và yêu cầu chính phủ phải dừng ngay các hành động vô trách nhiệm đó.
Ông Ciotti thậm chí yêu cầu các nhà lãnh đạo Pháp cần sớm thông qua luật khẩn cấp để sửa đổi ngân sách 2024 - một viễn cảnh đầy nguy hiểm đối với một chính phủ không chiếm đa số thành viên trong quốc hội.
Pháp điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế 2024
Chính phủ Pháp sẽ cắt giảm viện trợ phát triển gần một tỷ euro. Bên cạnh đó, một tỷ euro khác sẽ được chuyển từ ngân sách đặc biệt trợ cấp cho các hộ gia đình sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Trước đó, Chính phủ Pháp cho biết đã đề xuất một khoản cắt giảm chi tiêu khẩn cấp trị giá 10 tỷ euro (10,86 tỷ USD) cho ngân sách năm nay. Nhưng khoản tiết kiệm này là không đủ bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và các biện pháp mới sẽ buộc phải được luật hóa.
Chi tiêu của chính phủ Pháp trong vài năm qua đã chạm ngưỡng 57% sản lượng quốc gia, mức cao nhất trong bất kỳ nền kinh tế phát triển nào. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp mới là hết sức khó khăn.
Chính phủ Pháp sẽ phải gửi bản kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách sửa đổi tới Brussels trong vài ngày nữa.
Dự kiến sẽ có thêm một số lĩnh vực chi tiêu công và các khoản hỗ trợ bị cắt giảm - từ việc loại bỏ chính sách giảm thuế doanh nghiệp và hỗ trợ của nhà nước cho đào tạo chuyên môn cho đến khả năng hạn chế các khoản trợ cấp bệnh tật dài hạn và cắt giảm trợ cấp của nhà nước cho ngành công nghiệp điện ảnh nội địa.
Kết thúc năm tài chính 2023, thâm hụt ngân sách của Pháp là 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), vượt quá mục tiêu 4,9% của chính phủ.
Bất chấp những khó khăn chưa được tháo gỡ, chính phủ của Tổng thống Macron kỳ vọng vẫn đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới tiêu chuẩn giới hạn 3% GDP của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2027, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Macron.
Trong khi hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch và Moody's vẫn giữ nguyên mức đánh giá "triển vọng ổn định" đối với khoản nợ công trị giá 2.460 tỷ euro của Pháp, thì một tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu khác là S&P Global Ratings lại có quan điểm tiêu cực hơn và đe dọa sẽ hạ xếp hạng tín nhiệm AA mà Pháp đang nắm giữ.
Theo kế hoạch, S&P Global Ratings sẽ thực hiện việc cập nhật bảng xếp hạng của mình vào ngày 31/5, chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra.
Frank Gill, Giám đốc Cấp cao của S&P Global Ratings, chia sẻ: “Chúng tôi có thể kỳ vọng rằng họ (Chính phủ Pháp) sẽ thực hiện một số điều chỉnh tài chính quan trọng vào mùa Hè này”./.