Pháp, Đức thỏa hiệp về dự án xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2

Pháp và Đức đã đi đến một thỏa hiệp cho phép Đức vẫn là nhà đàm phán chủ chốt với Nga liên quan dự án xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức.
Pháp, Đức thỏa hiệp về dự án xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một dự thảo công bố ngày 8/2, Pháp và Đức đã đi đến một thỏa hiệp cho phép Đức vẫn là nhà đàm phán chủ chốt với Nga liên quan dự án xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức.

Dự thảo trên cho thấy hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí đảm bảo các quy định đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt sẽ được áp dụng dựa trên "lãnh thổ và lãnh hải của nước thành viên nơi bố trí điểm kết nối đầu tiên" thay vì dựa trên "lãnh thổ của các nước thành viên EU" và/hoặc "lãnh hải các nước thành viên EU."

Dự thảo này đã được đưa ra tại một cuộc họp của các đại sứ EU nhằm thảo luận việc sửa đổi những quy định về thị trường khí đốt trong khu vực.

Một ngày trước đó, Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ ủng hộ một đề xuất của EU nhằm quản lý đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, có khả năng cản trở việc hoàn thiện dự án đang được Đức kêu gọi sự ủng hộ các nước EU.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert ngày 8/2 cho biết hiện Đức và Pháp đang giữ liên lạc chặt chẽ về dự án này. Tuy nhiên, ông Seibert không cho biết thêm thông tin chi tiết.

[Nga hy vọng EU giải quyết bất đồng về dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Cùng ngày 8/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga hy vọng các nước thành viên EU sẽ giải quyết mọi bất đồng đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga tới Đức, đồng thời tin tưởng dự án sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước châu Âu.

Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ Nga có ý định tiếp tục xây dựng dự án trên và đánh giá đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 là phương thức an toàn nhất để vận chuyển khí đốt tới châu Âu.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (muộn nhất vào cuối năm 2019), mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.

Các nước Đức, Thụy Điển, Áo và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Tuy nhiên, dự án vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan vì cho rằng dự án mang màu sắc chính trị. Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua nghị quyết phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 vì cho rằng dự án đe dọa an ninh năng lượng châu Âu.

Ngoài một số nước châu Âu, Mỹ cũng là nước phản đối dự án đưa khí đốt từ Nga tới Đức này. Các thượng nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ ngày 7/2 đã công bố một nghị quyết kêu gọi hủy kế hoạch xây dựng hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Các đại sứ Mỹ tại Đức, Đan Mạch và Liên minh châu Âu hối thúc các nước thành viên EU bỏ phiếu phản đối việc xây dựng đường ống này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục