Pháp, Đức đề xuất áp đặt hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư

Pháp và Đức đã nhất trí rằng EU cần áp đặt ngay lập tức hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư đối với các quốc gia thành viên nhằm chia sẻ gánh nặng này.
Người di cư tới bờ biển đảo Lesbos sau khi vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 4/9, tại Luxembourg, ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp không chính thức thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng leo thang làm chao đảo gần như toàn bộ "lục địa già."

Ngay trước hội nghị, lãnh đạo nhiều nước đã công bố một loạt đề xuất mới nhằm giải quyết khủng hoảng.

Bất chấp các nước EU vẫn chia rẽ về hướng giải quyết cuộc khủng hoảng, Pháp và Đức đã nhất trí rằng EU cần áp đặt ngay lập tức hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư đối với các quốc gia thành viên nhằm chia sẻ gánh nặng này. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh "đó là nguyên tắc của tinh thần đoàn kết."

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker dự kiến trong tuần tới sẽ công bố một kế hoạch tái định cư cho ít nhất 120.000 người tị nạn để giảm gánh nặng cho các nước được coi là cửa ngõ châu Âu gồm Italy, Hy Lạp và Hungary.

Chủ tịch EU Donald Tusk cũng kêu gọi các quốc gia thành viên chia sẻ công tác tái định cư cho ít nhất 100.000 người tị nạn, cao hơn nhiều so với thỏa thuận 32.000 người hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh David Cameron đang có động thái nhượng bộ trước áp lực ngày càng tăng về giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, với tuyên bố sẽ tiếp nhận số người tị nạn Syria nhiều hơn so với 216 người trong năm ngoái. Ông nhấn mạnh những đối tượng được Anh tiếp nhận là những người đang tạm trú trong các trại tị nạn của Liên hợp quốc tại khu vực biên giới Syria. Con số cụ thể, kinh phí và địa điểm vẫn đang được bàn thảo, song số người tị nạn được tiếp nhận ở Anh có thể lên đến hàng nghìn người.

Cùng ngày, Đại diện thường trực Nga tại EU Vladimir Chizhov tuyên bố EU nhận thấy sự cần thiết đối thoại với Nga trong việc giải quyết vấn đề di cư và sẽ tiếp tục làm điều này. Theo ông, Moskva có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, do đó sẵn sàng chia sẻ với các nước khác.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), trong năm nay hơn 350.000 người di cư đã liều lĩnh vượt Địa Trung Hải và khoảng 2.600 người đã thiệt mạng trên hành trình đầy nguy hiểm này để tìm kiếm cuộc sống mới ở châu Âu.

Ngoài những trường hợp thiệt mạng khi vượt biển để đến châu Âu, IOM cho biết khoảng 1.000 người di cư đã chết khi tìm con đường khác như qua sa mạc Sahara và vịnh Bengal ở Nam Á. Đa số những người di cư mong muốn tìm đến "miền đất hứa" châu Âu để chạy trốn khỏi chiến tranh và cuộc sống nghèo đói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục