Pháp để ngỏ trừng phạt Saudi Arabia sau cái chết của nhà báo Khashoggi

Liên quan đến cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, Pháp không loại trừ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Saudi Arabia nếu nước này được xác định có liên đới.
Pháp để ngỏ trừng phạt Saudi Arabia sau cái chết của nhà báo Khashoggi ảnh 1Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. (Nguồn: France ONU)

Trong phản ứng mới nhất liên quan đến cái chết của nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi, Pháp không loại trừ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc gia Vùng Vịnh này nếu Riyadh được xác định có liên đới.

Trả lời ngày 31/10 trên Đài phát thành RTL, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tuyên bố khẳng định quan điểm nhất quán của Pháp, đó là toàn bộ vụ việc phải được làm sáng tỏ và những đối tượng liên quan đến cái chết của nhà báo Khasshoggi phải bị xét xử.

Ông nhấn mạnh Paris sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết đối với những đối tượng trên và không loại trừ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Saudi Arabia. Quyết định sẽ được đưa ra sau khi có kết luận điều tra chính thức.

Saudi Arabia hiện là đối tác thương mại lớn của Pháp, chủ yếu nhập khẩu khí tài quân sự, hàng hóa xa xỉ...

[Thêm tình tiết mới về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại]

Trước đó, liên quan cái chết của nhà báo Khashoggi, Đức đã thông báo sẽ ngừng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia như một biện pháp trừng phạt nước này.

Nhà báo, nhà bình luận chính trị Khashoggi bị mất tích từ ngày 2/10 sau khi vào tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul để làm thủ tục kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Khashoggi mang quốc tịch Saudi Arabia, sinh sống tại Mỹ và đang trong quá trình tìm cách để trở thành công dân Mỹ sau khi lưu vong từ năm 2017.

Hôm 20/10, Saudi Arabia thừa nhận ông Khashoggi đã chết sau một cuộc ẩu đả trong lãnh sự quán nước này tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, song không cho biết thi thể nhà báo này đang ở đâu.

Riyadh thông báo đã bắt giữ 18 người Saudi Arabia liên quan đến vụ này, đồng thời mở cuộc điều tra theo hướng mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ sát hại này đã được lên kế hoạch từ trước đó. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Pháp trước đó cũng đã nhiều liều yêu cầu Saudi Arabia công bố sự thật về vụ việc này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 30/10, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, Michelle Bachelet đã kêu gọi "các chuyên gia quốc tế" hỗ trợ tiến trình điều tra cái chết của nhà báo Khashoggi, và yêu cầu Riyadh công khai thông tin về nơi cất giấu thi thể của nhà báo này.

Theo bà, để tiến trình điều tra không bị tác động bởi các yếu tố chính trị, việc các chuyên gia quốc tế tham gia điều tra và được tiếp cận đầy đủ các bằng chứng, nhân chứng là hết sức cần thiết.

Quan chức Liên hợp quốc cũng kêu gọi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia hợp tác điều tra để nhanh chóng đưa ra ánh sáng toàn bộ sự thật liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục