Ngày 15/1, Chính quyền đảo Reunion, lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp ở Ấn Độ Dương đã nâng cảnh báo bão lên mức cao nhất, đồng thời yêu cầu người dân không ra ngoài đường dù vì bất kỳ lý do gì, rút phích cắm tất cả các thiết bị điện, không sử dụng nước máy và chỉ sử dụng điện thoại trong trường hợp khẩn cấp để phòng tránh cơn bão lớn mang tên Belal.
Hàng trăm nghìn người dân sinh sống trên đảo Reunion đã ở nguyên trong nhà, trong bối cảnh bão Belal đã đổ vào hòn đảo khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.
Theo Cơ quan Khí tượng Pháp (Meteo-France), cơn bão Belal mang theo gió lớn đang di chuyển về phía Tây Bắc hòn đảo. Mắt bão đang đi qua đảo Reunion, bắt đầu từ khu vực phía Bắc.
Người đứng đầu chính quyền đảo Reunion, ông Jerome Filippini, cho biết hòn đảo đang trong giai đoạn khó khăn và nguy hiểm. Thiệt hại ban đầu do bão gây ra hiện ở mức vừa phải, song đã có 1 người vô gia cư thiệt mạng.
Để đề phòng gió giật mạnh, có thể lên tới 250km/h ở vùng cao nguyên, chính quyền đã nâng cảnh báo lên cấp độ tím - mức cao nhất vào 6h (giờ địa phương, tức 8h theo giờ Việt Nam), theo đó 870.000 người dân trên đảo bị phong tỏa nghiêm ngặt. Ngay cả lực lượng an ninh cũng bị cấm đi lại.
Trước đó, chính quyền hòn đảo cũng hối thúc người dân dự trữ lương thực và thực phẩm và ở trong nhà trong 36 giờ. Do bão Belal được dự báo có thể khiến sóng cao tới 13-15m, nên toàn bộ khu vực bờ biển được đặt trong tình trạng báo động. Chính quyền cũng cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở các con sông. Chính quyền đã lập 6 trung tâm y tế khẩn cấp để phục vụ người dân.
Sân bay chính trên đảo Reunion cũng đã tạm ngừng hoạt động.
Trong một tuyên bố trên mạng xã hội ngày 14/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi người dân trên đảo Reunion ở trong nhà.
Thủ tướng Gabriel Attal và Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đã có mặt tại trung tâm khủng hoảng Paris để theo dõi tình hình trên đảo Reunion.
Bão lớn đổ vào đảo Reunion lần gần đây nhất vào năm 2014./.
Hàng trăm nghìn người Mỹ mất điện do bão tuyết
Một cơn bão tuyết kèm theo gió lớn đã bao phủ nhiều khu vực Trung Tây và Tây Bắc nước Mỹ, khiến hàng trăm nghìn người và cơ sở kinh doanh bị mất điện.