Pháp “đánh tiếng” tăng thuế đối với người giàu để giảm áp lực cho ngân sách

Thủ tướng Pháp Barnier nói sẽ không tăng thêm thuế đối với những người lao động hay tầng lớp trung lưu mà nhắm tới những người giàu nhất, trong nỗ lực nhằm khắc phục tình hình tài chính quốc gia.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Pháp Michel Barnier. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Pháp Michel Barnier ngày 22/9 cho biết ông sẽ không tăng thuế đối với hầu hết người dân Pháp mà chỉ với nhóm những người giàu nhất nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách.

Phát biểu trên đài truyền hình France 2, ông Barnier nói sẽ không tăng thêm thuế đối với những người lao động hay tầng lớp trung lưu mà chủ yếu nhắm tới những người giàu nhất, trong nỗ lực nhằm khắc phục tình hình tài chính quốc gia.

Thủ tướng Barnier cũng bày tỏ cởi mở với những thay đổi trong cải cách lương hưu của người tiền nhiệm Emmanuel Macron. Tuy nhiên, ông khẳng định bất kỳ thay đổi nào cũng không được làm suy yếu nền tảng tài chính của hệ thống lương hưu tại Pháp.

Ngoài ra, ông cũng muốn xem xét kỹ hơn những khó khăn mà các bà mẹ phải đối mặt trong suốt sự nghiệp của mình, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của các chủ lao động và công đoàn.

Ông Barnier cũng cam kết đưa ra các biện pháp thực tế để hạn chế dòng người nhập cư.

Thông tin trên được đưa ra sau khi thành phần chính phủ của tân Thủ tướng Michel Barnier được chính thức công bố vào cùng ngày 22/9, sau hai tuần đàm phán khó khăn và nhiều lần trì hoãn.

Nhiệm vụ cấp bách và khó khăn nhất của chính phủ mới sẽ là thiết lập một ngân sách cho năm 2025 vào thời điểm Pháp đang vật lộn để kiềm chế thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.

Thủ tướng Barnier đã bổ nhiệm nhà lập pháp 33 tuổi Antoine Armand vào chức vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp.

Ông cũng bổ nhiệm ông Laurent Saint Martin (39 tuổi) - người đứng đầu Văn phòng chính phủ thúc đẩy đầu tư nước ngoài tại Pháp làm Bộ trưởng Ngân sách.

Hai chính trị gia này sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn để tìm ra cách kiềm chế thâm hụt ngân sách của Pháp, vốn đã tăng vọt lên tương đương 6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do thiếu hụt nguồn thu thuế và chi tiêu cao vượt kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục