Pháp chia rẽ, Đức bất ổn: Những mối đe dọa cho tương lai châu Âu

Khả năng thúc đẩy động lực từ bên trong và bên ngoài của EU - vốn rất quan trọng trong bối cảnh những thách thức to lớn mà châu Âu phải đối mặt, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine - có thể sụp đổ.
Pháp chia rẽ, Đức bất ổn: Những mối đe dọa cho tương lai châu Âu ảnh 1Người ủng hộ mừng ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai, tại Paris, ngày 24/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, trước khi ông Emmanuel Macron chính thức giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ngày 24/4, rõ ràng, những người ủng hộ châu Âu trên khắp lục địa này đã rất hồi hộp và lo lắng về khả năng giành chiến thắng của ông.

Người thách thức ông, bà Marine Le Pen, sẵn sàng công khai lật đổ Liên minh châu Âu (EU) để tuyên truyền tầm nhìn về một nước Pháp chuyên chế, hồi sinh chủ nghĩa dân tộc, thậm chí sẵn sàng hợp tác chiến lược với Nga.

Khả năng thúc đẩy động lực từ bên trong và bên ngoài của EU - vốn rất quan trọng trong bối cảnh những thách thức to lớn mà châu Âu phải đối mặt, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine - có thể sụp đổ. Sự gắn kết của phương Tây cũng vậy.

Trước những vấn đề này, có vẻ như ông Macron sẽ làm được.

[Cử tri không muốn phe của Tổng thống Macron giành đa số ghế Quốc hội]

Tuy nhiên, những người bi quan ở Anh lo ngại rằng EU có thể sẽ không an toàn trong thời gian dài.

Bất kể lạm phát, cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt, việc châu Âu không còn nguồn năng lượng của Nga, giữ đường lối chung nhằm phản đối Tổng thống Nga Vladimir Putin hay bảo vệ các giá trị của EU trước các cuộc tấn công từ phe chủ nghĩa dân túy cánh hữu, thì EU đang phải đối mặt với những thách thức ghê gớm nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai - với những cấu trúc hiếm khi đạt được mục đích đề ra.

Theo hiến pháp, Tổng thống Macron không được tranh cử một lần nữa vào năm 2027.

Với sự sụp đổ của các đảng cánh tả và cánh hữu “cộng hòa” truyền thống, một Le Pen hoặc người kế nhiệm - nếu đối mặt với một đối thủ kém tự tin và ý thức sứ mệnh hơn Macron - sẽ thực sự có cơ hội chiến thắng.

Phần lớn nền chính trị của Pháp hiện nay phụ thuộc vào việc liệu quá trình cải thiện hiệu quả kinh tế của Pháp có cho thấy những lợi ích rõ rệt hay không - và liệu EU có được coi là một nguồn sức mạnh hay không.

Ở đây, một Macron mới đắc cử sẽ cần sự ủng hộ mạnh mẽ của Đức, một quốc gia mang trong mình tinh thần ủng hộ châu Âu sâu sắc, song đang bị bủa vây bởi những căng thẳng và bóng ma của chính họ.

Bild Zeitung, tờ báo lá cải bán chạy nhất của Đức, đã gán cho bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), là "Quý bà lạm phát" khi lạm phát của khu vực đồng Euro chạm mức 7,5%, trong khi ông Otmar Issing - nhân vật “diều hâu” kỳ cựu 86 tuổi của cả Bundesbank và ECB - đã chỉ trích những người bảo vệ bình ổn giá cả ở châu Âu là sống trong "ảo tưởng."

Lạm phát của Đức chưa từng cao như vậy trong hơn 70 năm qua. Chính siêu lạm phát trong thập niên 1920 đã mở ra cánh cửa cho Hitler.

Những người châu Âu khác có thể ngưỡng mộ sự thành công của chủ nghĩa tư bản tự do và dân chủ ở nước Đức thời hậu chiến, nhưng bản thân người Đức lại lo lắng rằng những thành quả thu được quá bấp bênh và “những con quỷ cũ” có thể dễ dàng thức tỉnh - nghịch lý là bởi một EU mà họ rất trân trọng.

Tháng 5/2021, Olaf Scholz, khi đó là Bộ trưởng Tài chính và hiện là Thủ tướng Đức, đã ca ngợi kế hoạch khôi phục EU hậu COVID-19 đầy tham vọng là “khoảnh khắc Hamilton” của châu Âu.

Các nước thành viên EU sẽ đảm bảo việc phát hành trái phiếu EU trên quy mô chưa từng có để tài trợ đầu tư vào công nghệ xanh và kỹ thuật số, cùng với các biện pháp hỗ trợ xã hội để quản lý tốt hơn các đại dịch trong tương lai, giống như bộ trưởng tài chính đầu tiên của Mỹ, Alexander Hamilton, đi tiên phong trong việc bảo lãnh các khoản nợ nhà nước để củng cố một nước Mỹ mới thành lập.

Ông Macron, người đã chiến đấu hết mình cho quỹ phục hồi hậu COVID-19, cũng vui mừng không kém. EU đã thể hiện dũng khí của mình; khi vượt qua được chướng ngại vật. Lúc này, cần đảm bảo rằng ông Macron sẽ trở lại để vượt qua nhiều thử thách hơn.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Ukraine và lạm phát chưa từng có đang làm rung chuyển nước Đức. Việc bảo lãnh phát hành trái phiếu EU tỏ ra kém khôn ngoan hơn khi Đức chỉ trích ECB vì đã sử dụng lượng tiền mặt rẻ mạt của hệ thống tài chính EU - và giờ đây phải điều chỉnh chi phí ngoại tệ để ngừng nhập khẩu dầu khí của Nga.

Ngay lập tức, Đức đã phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu khí của Nga do EU đề xuất; Bộ trưởng Kinh tế Robert Halbeck cảnh báo điều này sẽ “khiến nhiều người rơi vào tình cảnh thất nghiệp và đói nghèo, vốn không thể sưởi ấm căn nhà của họ và không còn xăng dầu để sử dụng.”

Dù vậy, ngay cả lệnh cấm theo từng giai đoạn mà EU sẽ sớm công bố cũng có nguy cơ khiến Đức rơi vào suy thoái và mức sống bị thu hẹp. Đức phải cùng lúc tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong nước và xây dựng nền quốc phòng rộng lớn.

Mong muốn của Đức đối với các “biện pháp Hamilton” trên toàn EU (mà Macron và phần còn lại của châu Âu đang rất cần) sẽ bị hạn chế.

Viễn cảnh về sự giả dối và sự gia tăng không ngừng của chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang là rất rõ rệt.

Bình luận của Anh về châu Âu luôn nhấn mạnh vào những sai lầm - hiếm khi vào những điều đúng đắn.

Quả thực, Pháp, Đức và EU đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ đối mặt với sự trỗi dậy của “chủ nghĩa Trump” và ngành thương mại Anh có nguy cơ sụp đổ do Brexit, khủng hoảng đầu tư, sự đình trệ do đại dịch và bế tắc trong hiến pháp, những thách thức này đã được khắc phục phần nào.

Điều ấn tượng về EU là không giống như Mỹ và Anh, họ vẫn giữ được trọng tâm. Các tầng lớp chính trị chính thống của Pháp và Đức, cùng Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan và nhiều nước khác, biết rằng EU là một bức tường thành quan trọng. Và họ đã đứng về phía EU.

Sau khởi đầu chậm chạp, EU đã vượt qua đại dịch COVID-19 và có nhiều mặt tốt hơn so với Anh - với tư cách là một tổ chức chính trị tập thể. Ít ca tử vong hơn; các chương trình tiêm chủng mạnh mẽ hơn; hỗ trợ tốt hơn cho các nước gặp khó khăn và kém phát triển.

Kế hoạch phục hồi của EU thực sự là “khoảnh khắc Hamilton” và đang cho thấy sự lạc quan trên khắp châu Âu thông qua các chính sách đầu tư trong nhiều thập kỷ.

ECB có thể đã đánh giá sai áp lực lạm phát, nhưng Cơ quan Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh có lẽ cũng vậy. Những áp lực này có thể sẽ giảm bớt ở châu Âu, nhờ sức mạnh của đồng Euro với vai trò là nguồn tiền dự trữ, trong khi áp lực lạm phát của Anh sẽ còn kéo dài do đồng Bảng giảm giá kèm theo sự suy yếu của nền kinh tế.

Sự sụp đổ của thương mại Anh đã cho thấy giá trị của thị trường chung EU, còn các biện pháp mạnh mẽ của khối này nhằm thúc đẩy Facebook và Google tăng cường điều chỉnh nền tảng của họ lại là điều bất khả thi đối với những quốc gia đơn lẻ.

Hơn nữa, những lợi ích mà Nga có thể đạt được ở miền Nam và miền Đông Ukraine nhấn mạnh sự cần thiết của việc các nước EU sát cánh cùng nhau.

Các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu rõ những điều này. Cuộc khủng hoảng lớn hơn không nằm ở EU, vốn điều tiết các vấn đề thông qua ý chí chính trị. Đó là thất bại thảm hại của Brexit và tất cả quá trình quá chậm chạp trong việc phế truất một thủ tướng đã lừa dối Hạ viện, vốn là chỗ dựa quan trọng cho sự toàn vẹn của nền dân chủ Anh.

Một chiến thắng của ông Macron có thể là tín hiệu cho thấy châu Âu đang vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất - trong khi Anh còn chưa rơi xuống đáy vực thẳm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục