Pháp cấp phép vận hành lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới ở Flamanville

Theo Cơ quan An toàn Hạt nhân của Pháp, quyết định cấp phép đồng nghĩa lò phản ứng hạt nhân ở Flamanville có thể được nạp đầy nhiên liệu và bắt đầu quy trình thử nghiệm trong những tháng tới.

Một khu vực bên trong lò phản ứng hạt nhân Flamanville 3 của Pháp. (Nguồn: Bloomberg)
Một khu vực bên trong lò phản ứng hạt nhân Flamanville 3 của Pháp. (Nguồn: Bloomberg)

Ngày 7/5, Cơ quan An toàn Hạt nhân của Pháp (ASN) đã cho phép vận hành lò phản ứng hạt nhân áp lực nước châu Âu (EPR) thế hệ mới ở Flamanville, vùng Normandy của nước này.

Như vậy, EPR được đưa vào vận hành muộn khoảng 12 năm so với dự kiến ban đầu.

Theo Phó Giám đốc ASN Julien Collet, quyết định trên đồng nghĩa lò phản ứng hạt nhân ở Flamanville có thể được nạp đầy nhiên liệu và bắt đầu quy trình thử nghiệm trong những tháng tới.

Trong bối cảnh Chính phủ Pháp đang muốn xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân mới, đây là tin vui đối với công ty năng lượng nhà nước EDF - đơn vị chịu trách nhiệm vận hành EPR, sau nhiều vấn đề khiến việc xây dựng lò phản ứng trên bị kéo dài tới 17 năm, kéo theo việc đội vốn.

EDF hy vọng lò phản ứng sẽ hoạt động hết công suất vào cuối năm nay.

Lò phản ứng Flamanville do Pháp phát triển, bắt đầu được xây dựng từ năm 1992. Lò phản ứng này được thiết kế để khởi động lại hệ thống điện hạt nhân ở châu Âu sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hồi năm 1986.

EPR được quảng bá là cung cấp điện hiệu quả hơn và an toàn hơn, song việc xây dựng lò phản ứng trên đã gặp trở ngại do nhiều vấn đề, trong khi các lò phản ứng khác cùng loại tại Trung Quốc và Phần Lan đã được vận hành trước đó.

Lò phản ứng hạt nhân ở Flamanville là loại duy nhất được xây dựng tại Pháp trong bối cảnh các dự án mới đa phần xây dựng lò phiên bản EPR2 có cấu tạo đơn giản hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục