Ngày 28/1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng việc chính quyền quân sự ở Mali kéo dài quá trình chuyển tiếp đang khiến tình hình ở nước này trở nên "mất kiểm soát" và Paris đang thảo luận với các đối tác về cách điều chỉnh chiến lược chống khủng bố tại quốc gia châu Phi này.
Căng thẳng đã leo thang giữa Mali và các quốc gia châu Âu sau khi chính quyền quân sự ở Mali không tổ chức được các cuộc bầu cử sau hai cuộc đảo chính quân sự.
Phát biểu trên đài phát thanh RTL, Ngoại trưởng Le Drian cảnh báo chính quyền quân sự ở Mali đang trở nên "mất kiểm soát."
Dự kiến, trong ngày 28/1, Bộ trưởng quốc phòng của Pháp và các nước châu Âu sẽ nhóm họp thảo luận tình hình Mali cũng như cách thức điều chỉnh việc triển khai các lực lượng để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực Sahel châu Phi.
Hôm 27/1, Đan Mạch thông báo sẽ bắt đầu rút binh sỹ khỏi Mali sau khi chính quyền quân sự tại quốc gia châu Phi này đưa ra yêu cầu lập tức rút quân.
Pháp và 14 quốc gia châu Âu khác đã hối thúc chính quyền quân sự Mali cho phép một biệt đội của Đan Mạch - thuộc Lực lượng đặc nhiệm Takuba của châu Âu chống thánh chiến ở khu vực Sahel châu Phi, duy trì hiện diện ở Mali.
Các nước đồng thời bác bỏ tuyên bố của quân đội Bamako cho rằng sự hiện diện của quân đội Đan Mạch là không có cơ sở pháp lý.
Tuy nhiên, người phát ngôn của chính quyền quân sự chuyển tiếp Mali Abdoulaye Maiga cùng ngày tuyên bố Pháp cần ngừng can thiệp vào công việc của Mali.
[Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo về chu kỳ bất ổn ở Mali]
Lực lượng Takuba đã đồng hành cùng các binh sỹ Mali trong cuộc chiến chống các nhóm thánh chiến và cũng là lực lượng nòng cốt trong chiến lược của Pháp tại khu vực Sahel.
Ngoài Pháp là quốc gia dẫn đầu, lực lượng này còn bao gồm các binh sỹ của Hà Lan, Estonia, Thụy Điển, Bỉ, Cộng hòa Séc, Na Uy, Bồ Đào Nha, Italy và Hungary.
Dự kiến, sứ mệnh của lực lượng quân sự Đan Mạch tại Mali kết thúc vào đầu năm 2023.
Việc Mali yêu cầu Đan Mạch rút quân có khả năng ảnh hưởng đến việc triển khai quân đội Na Uy, Hungary, Bồ Đào Nha, Romania và Litva tại quốc gia châu Phi này trong năm nay.
Trong đó, Na Uy, Bồ Đào Nha và Hungary vẫn đang chờ phê duyệt để triển khai lực lượng đặc nhiệm của những nước này./.