Pháp cảnh báo nguy cơ hãng xe Renault biến mất khỏi thị trường

Trong phát biểu đưa ra trên đài phát thanh Europe 1, Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định tương lai của Renault đang bị đe dọa và hãng có thể không sống sót.
Hiện Renault chưa đưa ra bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Le Maire. (Nguồn: Reuters)

Ngành sản xuất ôtô của châu Âu đang rơi vào tình cảnh báo động khi có thể có thêm nhiều việc làm bị mất.

Ngày 22/5, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo hãng xe Renault danh tiếng có thể biến mất khỏi thị trường nếu không được trợ giúp sớm, trong khi đối tác liên doanh Nissan của Nhật Bản cho biết đang cân nhắc cắt giảm 20.000 lao động, gồm nhiều việc làm ở châu Âu.

Trong phát biểu đưa ra trên đài phát thanh Europe 1, Bộ trưởng Le Maire khẳng định tương lai của Renault đang bị đe dọa và hãng có thể không sống sót.

Theo ông, nhà máy sản xuất của Renault tại Flins không thể đóng cửa và công ty này cần nỗ lực để giữ được nhiều việc làm nhất tại Pháp có thể.

[Pháp sẵn sàng hỗ trợ các hãng ôtô chuyển hoạt động sản xuất về nước]

Bên cạnh đó, Renault cũng cần thích ứng và cạnh tranh trong giai đoạn mới.

Hiện Renault chưa đưa ra bình luận về phát biểu của Bộ trưởng Le Maire - người đang cân nhắc cấp khoản tín dụng trị giá 5,5 tỷ USD cho Renault để giúp công ty này vượt qua khủng hoảng.

Nhà máy của Renault tại Flins, phía Tây Bắc thủ đô Paris, có khoảng 2.640 người lao động tính đến cuối năm 2018.

Theo các nguồn tin trong ngành và có liên quan tới nhà sản xuất ôtô Renault, doanh nghiệp này đang chuẩn bị giảm mạnh danh mục sản phẩm, ngừng kinh doanh các mẫu ôtô nổi tiếng song có doanh số kém như minivan Espace như một phần kế hoạch cắt giảm chi phí sắp thực hiện.

Theo những nguồn tin trên, Renault vẫn chưa hoàn thiện kế hoạch trên song đã xem xét đưa ra các mẫu ôtô Espace, Scenic và Talisman ra khỏi danh mục sản phẩm kinh doanh trong tương lai.

Renault đã tập trung triển khai kế hoạch cải tổ danh mục sản phẩm kinh doanh từ năm 2009 song hiện vẫn còn kinh doanh 45-50 mẫu ôtô dưới các thương hiệu riêng như Dacia, RSM, Lada và Alpine.

Năm 2019, Renault đã ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên trong 10 năm qua và gặp nhiều khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Renault, với 15% cổ phần thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp, đang tiến hành đàm phán gói cứu trợ 4-5 tỷ euro với chính phủ nước này để giảm thiểu tác động tiêu cực của doanh số bán hàng và hoạt động sản xuất sụt giảm do dịch COVID-19.

Trong khi đó, cùng ngày 22/5, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin nhà sản xuất ôtô Nissan của nước này - đối tác liên doanh Renault - đang cân nhắc cắt giảm 20.000 lao động trên toàn cầu, chủ yếu tập trung ở châu Âu và tại các nước đang phát triển.

Các nguồn thạo tin cho biết công ty này chưa đưa ra quyết định cuối cùng về số lao động cắt giảm cụ thể.

Hiện Nissan cũng từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên.

Tháng Bảy năm ngoái, nhà sản xuất xe hơi của Nhật Bản cho biết sẽ cắt giảm 12.500 nhân công, gần 10% trong tổng số 140.000 lao động của hãng.

Nếu con số này tăng lên 20.000, đây sẽ là mức tương đương với thời kỳ hãng này cắt giảm nhân công trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Renault và Nissan đã liên doanh sản xuất ôtô trong hai thập kỷ qua và dự kiến sẽ công bố bản cập nhật chiến lược vào ngày 27/5 tới.

Kế hoạch này ban đầu được mô tả là để điều chỉnh mối quan hệ, vốn bị ảnh hưởng sau vụ bắt giữ "kiến trúc sư" trưởng của việc liên doanh và là nhà lãnh đạo lâu năm Carlos Ghosn, với các cáo buộc liên quan đến sai phạm tài chính, dù ông này một mực bác bỏ.

Tuy nhiên, bản cập nhật chiến lược này đóng vai trò quan trọng hơn kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, kéo theo nhu cầu xe ô tô sụt giảm, gây xáo trộn ngành sản xuất ô tô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục