Pháp: Cam kết của Tổng thống Macron giữ chân được nhiều người giàu

Cam kết của Tổng thống Emmanuel Macron về cải cách cách tính thuế đánh vào tài sản của người giàu (ISF) đã khuyến khích những người giàu trong diện nộp thuế ISF ở lại Pháp nhiều hơn.
Số lượng những người giàu rời Pháp ra nước ngoài định cư đã giảm nhờ cải cách thuế ISF. (Nguồn: Getty)

Theo một báo cáo mới đây của chính phủ được trình lên Quốc hội, những cam kết của Tổng thống Emmanuel Macron đã khiến nhiều người giàu nắm giữ vốn tài chính lớn quyết định không rời khỏi Pháp.

Đây có thể được coi là một dấu hiệu đầu tiên về việc cải thiện sức hấp dẫn thuế khóa của Pháp.

Năm 2017, trong chiến dịch bầu cử Tổng thống, ứng cử viên Macron từng cam kết cải cách sâu rộng cách tính thuế đánh vào tài sản của người giàu (ISF). Vì vậy, số người giàu quyết định ra nước ngoài định cư đã giảm so với năm 2016.

Theo Ủy ban đánh giá cải cách thuế, số lượng người đóng thuế theo diện ISF rời khỏi nước Pháp trong năm bầu cử Tổng thống đã giảm đến 40%, chỉ còn 376 người ra đi, con số thấp nhất kể từ 12 năm trước.

[Nền kinh tế Pháp thiệt hại 62 tỷ euro vì bất bình đẳng tiền lương]

Triển vọng thay thế thuế ISF bằng thuế đánh vào bất động sản dường như đã khuyến khích những người giàu trong diện nộp thuế ISF ở lại Pháp.

Báo cáo của chính phủ góp phần khẳng định nhận định trên. Thậm chí cam kết của ông Macron cũng đã tác động đến số công dân Pháp phải chịu thuế xuất cảnh đánh vào giá trị gia tăng khi nhà đầu tư bán lại cổ phiếu và chuyển vốn ra nước ngoài.

Được thiết lập vào năm 2011 dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, loại thuế này đánh vào những doanh nhân nắm giữ ít nhất 800.000 euro cổ phiếu hoặc 50% số cổ phiếu của một công ty.

Điểm đến ưa thích của họ là Mỹ, Bỉ, Bồ Đào Nha và Anh.

Số lượng tờ khai thuế xuất cảnh đã giảm 30% trong năm 2017, xuống còn 225 tờ khai, ít nhất kể từ năm 2011.

Những người trong diện nộp thuế xuất cảnh đã quyết định ở lại Pháp sau khi Tổng thống Macron cam kết triển khai trong năm 2018 một mức thuế khoán duy nhất 30% trên tổng thu nhập tài chính.

Mức khoán này là một sự giảm đáng kể đối với các gia đình giàu có, nếu so sánh với mức cao nhất là 45% được áp dụng từ năm 2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục