Pháp bắt 4 cảnh sát liên quan vụ hành xử thô bạo một người da màu

Cảnh sát đã đuổi theo một nhà sản xuất âm nhạc da màu vi phạm quy định phòng dịch COVID-19 vào trong tòa nhà sau đó hành hung và vụ việc đã được ghi lại bằng camera giám sát cùng điện thoại động.
nhà sản xuất âm nhạc da màu Michel trả lời phỏng vấn bên ngoài trụ sở Tổng thanh tra Cảnh sát quốc gia Pháp ở Paris. (Nguồn: AP)

Ngày 27/11, lực lượng chức năng Pháp đã bắt giữ bốn cảnh sát nước này để thẩm vấn sau khi một đoạn băng được tung lên mạng xã hội cho thấy họ đã đánh đập một nhà sản xuất âm nhạc da màu ở thủ đô Paris.

Theo một nguồn thạo tin, hiện các cảnh sát này đã bị đình chỉ công tác và đang bị tạm giữ tại Tổng thanh tra Cảnh sát quốc gia Pháp.

Các công tố viên đã mở cuộc điều tra về hành vi bạo lực của các cảnh sát trên, cũng như những lời khai gian dối của họ.

[Pháp điều tra vụ ba cảnh sát hành xử thô bạo với một người da màu]

Trước đó, một đoạn băng được tung lên mạng xã hội ngày 26/11 cho thấy các cảnh sát đã tấn công nhà sản xuất âm nhạc da màu, mang tên Michel.

Trả lời phỏng vấn, nạn nhân cho biết đã bị cảnh sát tấn công ngay tại phòng thu âm của mình ở quận 17 vào ngày 21/11 vừa qua.

Anh khẳng định đã đi lại trên phố mà không đeo khẩu trang, hành động đã vi phạm quy định phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Pháp. Khi nhìn thấy xe cảnh sát, anh đã chạy vào phòng thu ở gần đó để tránh bị phạt.

Tuy nhiên, cảnh sát đã đuổi theo vào trong tòa nhà và hành hung anh. Vụ việc đã được ghi lại bằng camera giám sát cùng điện thoại động.

Đoạn băng này đã dẫn tới làn sóng phản đối trong dư luận. Kênh truyền hình BFM TV đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rất sốc trước hình ảnh về vụ việc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin khẳng định các cảnh sát trong đoạn băng sẽ phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình nếu kết quả điều tra xác nhận họ có hành vi sai trái.

Thủ tướng Jean Castex cho biết chính phủ nước này sẽ xem xét thêm về nội dung của dự luật hạn chế người dân quay phim những hoạt động của cảnh sát và phát tán những hình ảnh này.

Trước đó, phong trào phản đối nạn phân biệt chủng tộc bùng phát tại Mỹ sau đó lan rộng ra nhiều nước trên thế giới sau vụ công dân da màu George Floyd tử vong khi bị cảnh sát Mỹ ghì cổ hồi tháng Năm vừa qua cũng xuất phát từ một video được chia sẻ trên mạng xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục