Bảo tàng Louvre ở thủ đô Paris của Pháp đã mở cửa trở lại ngày 18/1, sau khi buộc phải đóng cửa do làn sóng đình công của các nghiệp đoàn nhằm phản đối việc chính phủ cải cách chế độ hưu trí.
Ngày 17/1, bảo tàng có lượng du khách ghé thăm nhiều nhất thế giới đã bị những công nhân tham gia phản đối chính phủ chặn lối vào, khiến các du khách không thể tiếp cận địa điểm tham quan này.
Đây là lần đầu tiên bảo tàng Louvre phải đóng cửa hoàn toàn kể từ khi làn sóng đình công nổ ra tại Paris vào ngày 5/12/2019.
Trước đó, bảo tàng năm ngoái từng đón 9,6 triệu lượt du khách này vẫn duy trì các hoạt động cơ bản, và chỉ đóng cửa một số khu vực trưng bày.
[Pháp: Bảo tàng Louvre phải đóng cửa vì nhân viên đình công]
Tính đến thời điểm hiện tại, làn sóng đình công phản đối cải cách hưu trí tại Pháp đã bước sang ngày thứ 45 - dài nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Giới lãnh đạo các nghiệp đoàn tại Pháp đang tìm cách mở rộng quy mô của cuộc đình công sang cả những lĩnh vực khác, chứ không chỉ đơn thuần trong ngành vận tải như ban đầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công nhân đã không còn nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi phản đối chính phủ.
Theo giới quan sát, trong ngày 17/1, số các công nhân thuộc công ty điều hành đường sắt quốc gia SNCF tham gia đình công đã giảm xuống dưới mức 5%.
Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhưng hệ thống này đang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết tiến hành những cải cách triệt để hệ thống lương hưu của nước này.
Theo kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước.
Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm.
Điểm mấu chốt phía người lao động chưa hài lòng là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công).
Ngoài ra, các nghiệp đoàn đại diện cho quyền lợi của người lao động trong các ngành nghề khác nhau ở Pháp cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động./.