Pháp: Bạo loạn không tác động dây chuyền tới Olympic Paris 2024

Phó thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire nêu rõ vẫn còn 1 năm nữa mới diễn ra Olympic Paris 2024, do đó chính quyền thành phố không nên điều chỉnh kế hoạch liên quan đến sự kiện thể thao quốc tế này.
Các phương tiện bị người biểu tình phóng hỏa tại Nanterre, ngoại ô Paris, Pháp ngày 29/6/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/7, chính quyền thành phố Paris của Pháp nhấn mạnh không lo ngại tình trạng bạo loạn hiện nay sẽ tác động dây chuyền tới Olympic Paris 2024.

Mặc dù thừa nhận "quan ngại về tình hình" ở Pháp, nhưng Phó thị trưởng Paris Emmanuel Gregoire khẳng định ông "không lo ngại về tác động" của vấn đề này đối với Olympics.

Phó thị trưởng nhấn mạnh vẫn còn 1 năm nữa mới tới sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế này, do đó chính quyền thành phố không nên điều chỉnh kế hoạch liên quan.

Trong khi đó, phát biểu tại sự kiện công bố các tuyến rước đuốc Olympic trong năm tới, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nhận định hoạt động rước đuốc là "một cơ hội phi thường để mang lại hy vọng" tại Pháp trong bối cảnh hiện nay.

[Pháp ước tính thiệt hại 20 triệu USD do bạo loạn ở Paris]

Quan chức Pierre Rabadan phụ trách mảng thể thao tại Paris khẳng định sẽ đảm bảo các yêu cầu về an ninh trong thời gian diễn ra Olympics, đồng thời nhấn mạnh không có bất kỳ xáo trộn nào trong kế hoạch tổ chức sự kiện này.

Trước đó, ngày 3/7, Bộ trưởng Thể thao Pháp Amelie Oudea-Castera thông báo chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp trong những ngày gần đây để tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng phục vụ Olypmics Paris 2024.

Bộ trưởng Amelie cũng cho rằng các vụ bạo loạn gần một tuần qua đang gây tổn hại tới hình ảnh của nước Pháp trong mắt bạn bè quốc tế.

Các tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nước Pháp đang chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều ngày qua ở ngoại ô Paris và các địa phương khác trên khắp cả nước sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên không tuân thủ luật giao thông vào tuần trước.

Tình trạng bạo loạn kéo dài 6 ngày qua liên quan đến vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi đã gây thiệt hại khoảng 20 triệu euro cho giao thông công cộng ở khu vực Paris.

Trong một tuyên bố, cơ quan quản lý mạng lưới giao thông khu vực Ile-de-France cho hay “các xe buýt và một đường xe điện bị cháy, hai đường xe điện bị hư hại và cơ sở hạ tầng đô thị bị phá hủy.”

Bộ Tài chính Pháp cho biết ít nhất 10 trung tâm mua sắm, hơn 200 siêu thị, 250 cửa hàng thuốc lá và rất nhiều cửa hàng quần áo và thể thao bị cướp bóc.

Đài phát thanh France Info của Pháp đưa tin tòa án thành phố Grenoble, Đông Nam nước Pháp, đã đưa ra những bản án đầu tiên dành cho các đối tượng tham gia bạo loạn những ngày qua tại nước này. Cụ thể, 3 người bị kết án tù từ 3-4 tháng vì tội cướp bóc trong các vụ bạo loạn.

Khoảng 30 đối tượng khác cũng sẽ bị xét xử ở Grenoble. Hầu hết trong số họ đã bị giam giữ với cáo buộc có hành vi cướp bóc vào đêm 1/7.

Theo Bộ Nội vụ, hàng chục cảnh sát bị thương, 577 phương tiện bị đốt cháy, 74 tòa nhà bị phóng hỏa và 871 đám cháy trên đường phố cũng như các khu vực công cộng khác. Khoảng 45.000 nhân viên thực thi pháp luật đã được triển khai trên khắp nước Pháp để dập tắt bạo loạn.

Trong tuần trước, Tổng thống Emmanuel Macron đã lên án tình trạng bạo lực. Ông nói rằng cái chết của Nahel đã được dùng làm cớ để biện minh cho các hành động bạo lực - và gọi đó là “sự khai thác không thể chấp nhận được đối với cái chết của trẻ vị thành niên.”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử đã góp phần thổi bùng bạo loạn trên khắp đất nước trong những ngày gần đây.

Phát biểu sau cuộc họp an ninh khẩn cấp để giải quyết tình trạng bạo loạn hôm 30/6, Tổng thống Macron nhận định: "Các nền tảng mạng xã hội và internet đang đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện gần đây. Chúng tôi đã thấy các ứng dụng như Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nền tảng tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực."

Ông Macron cho biết thêm rằng khoảng 1/3 số người bị bắt giữ trong 3 đêm gần đây là người "trẻ hoặc rất trẻ," điều này cho thấy Internet đang có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên tại Pháp, giới trẻ đang xuống đường để hành động theo "các trò chơi điện tử khiến họ say sưa." Ông Macron kêu gọi các bậc cha mẹ giữ con cái của mình ở nhà.

Trong diễn biến liên quan, ngày 3/7, các thị trưởng ở khắp nước Pháp đã tổ chức tuần hành, kêu gọi chấm dứt bạo lực. Hiện đã có dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn đang dần lắng dịu.

Theo Sở Cảnh sát Paris, tính đến 22h ngày 3/7 giờ địa phương (3h sáng 4/7 giờ Việt Nam), chỉ có 11 vụ bắt giữ ở Paris và các vùng ngoại ô. Mặc dù vậy, tất cả các dịch vụ xe buýt và xe điện tại Paris vẫn tạm ngừng hoạt động từ 21h hàng ngày.

Bộ Tư pháp cho biết khoảng 3.900 người đã bị bắt kể từ ngày 30/6 vừa qua, trong đó có 1.244 trẻ vị thành niên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục