Theo Asia Times, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy một liên minh gần gũi hơn với Australia và Ấn Độ để chống lại Trung Quốc và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là Pháp có thể làm gì ngoài việc tiến hành một số cuộc tập trận chung với 2 quốc gia này cũng như xuất khẩu thiết bị quân sự cho họ và các quốc gia khác trong khu vực này.
Ngay sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Macron đã tới Australia trong tuần đầu tiên của tháng 5. Tại đây, ông và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã nhất trí quan điểm rằng không một quốc gia nào được phép thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
[Tiêu điểm trong ngày: Pháp với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Chuyến thăm của ông Macron tới Australia kết thúc hôm 3/5 được đánh dấu bằng tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi thành lập một liên minh chiến lược 3 bên giữa Pháp, Australia và Ấn Độ nhằm đối phó với các thách thức tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, nhật báo Tribune của Ấn Độ ngày 2/5 cũng viết rằng, Pháp và Australia cùng với "người bạn dân chủ Ấn Độ" có "trách nhiệm bảo vệ khu vực này khỏi 'sự chi phối'" - ám chỉ sức mạnh gia tăng của Bắc Kinh.
Trước đó, hồi tháng 3, ông Macron cũng đã đến thăm Ấn Độ và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã đăng trên tài khoản Twitter cá nhân vào ngày đến ông đến rằng: "Chào mừng đến Ấn Độ, Emmanuel Macron! Chuyến thăm của ngài sẽ tiếp thêm sức mạnh tuyệt vời cho quan hệ đối tác chiến lược giữa Ấn Độ và Pháp."
Pháp là nước cuối cùng trong các cường quốc thực dân kiểu cũ, hiện vẫn sở hữu khối tài sản đáng kể với các vùng lãnh thổ hải ngoại trải dọc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, các câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu Pháp và các đồng minh mới của họ có thực sự ở vị trí có thể chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hay không? Và “liên minh không chính thức” chống Trung Quốc đang nổi lên ở Ấn Độ Dương này vững chắc đến mức độ nào?./.