Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 22/3 đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công tại thủ đô Brussels của Bỉ làm nhiều người chết và bị thương.
Theo xác nhận của nhà chức trách Bỉ, số người thiệt mạng trong loạt vụ tấn công khủng bố tại Brussels vào sáng 22/3 là 21 người, trong khi truyền thông nước này cho biết số người chết là 23 người.
Cuộc họp với sự tham gia của Tổng thống Hollande, Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve. Nhà chức trách Pháp cũng đã ngay lập tức tăng cường an ninh tại các sân bay và nhà ga ở thủ đô Paris.
Loạt vụ tấn công tại Brussels diễn ra sau khi Bỉ bắt giữ tên Saleh Abdeslam - nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hồi tháng 11/2015 làm 130 người thiệt mạng và hơn 350 người bị thương.
Pháp đã đề nghị Bỉ dẫn độ đối tượng nguy hiểm này về Pháp để xét xử. Pháp vẫn đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau loạt vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven đã lên án loạt vụ tấn công mới ở Brussels, coi đây là "cuộc tấn công vào nền dân chủ châu Âu." Ông tuyên bố cả châu Âu sẽ không bao giờ chấp nhận khủng bố.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cũng bày tỏ sự căm phẫn khi tuyên bố rằng các vụ tấn công ở Brussels là hành động hèn hạ.
Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Cọng hòa Litva Dalia Grybauskaite và Thủ tướng Algirdas Butkevicius, Tổng thống Cộng hòa Gruzia Giorgi Margvelashvili, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevis cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước loạt vụ tấn công đẫm máu tại Brussels vào sáng 22/3.
Thủ tướng Anh tuyên bố Chính phủ nước này sẽ "làm mọi việc có thể" để giúp Bỉ điều tra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels. Ông cũng cho biết chiều cùng ngày sẽ triệu tập cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp (COBRA).
Sân bay Gatwick tại London cũng tuyên bố tăng cường an ninh sau loạt vụ tấn công tại Brussels. Hiện Anh vẫn duy trì cảnh báo khủng bố ở mức "nghiêm trọng," mức cao thứ hai trong thang báo động khủng bố đồng nghĩa với việc một vụ tấn công khủng bố có khả năng cao xảy ra ở nước này.
Chính phủ Hà Lan cũng đang đề phòng khả năng nước này có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của các cuộc tấn công tương tự như ở Brussels. Cơ quan chống khủng bố của Hà Lan cho biết các biện pháp an ninh đã được tăng cường ngay lập tức.
Ủy ban châu Âu (EC) đã thông báo hủy toàn bộ các cuộc họp dự kiến diễn ra trong sáng 22/3 tại Brussels./.