Ngày 31/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhất trí phối hợp đưa ra "các biện pháp thiết thực và khả thi" để giải quyết tranh cãi giữa hai nước về quyền đánh cá sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm trong 25 phút bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thủ đô Rome (Italy).
Tại cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí về sự cần thiết phải "giảm căng thẳng" bằng những hành động cụ thể "trong thời gian sớm nhất có thể."
Phát biểu với báo giới, một cố vấn của Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Macron đã đề nghị London tôn trọng các quy định quốc tế về quyền đánh cá, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên nghiêm túc và tôn trọng nhau sau nhiều ngày đưa ra những đe dọa trả đũa lẫn nhau.
Quyền đánh bắt cá hậu Brexit đã khiến mối quan hệ giữa Anh và Pháp trở nên căng thẳng thời gian qua. Theo Hiệp định hợp tác và thương mại (TCA) giữa Anh và EU - ký ngày 30/12/2020 - ngư dân các nước EU được tiếp tục đánh bắt ở một số vùng biển của Anh với điều kiện họ phải có giấy phép, được cấp nếu họ có thể chứng minh đã đánh bắt tại những ngư trường này trước Brexit...
[Khúc mắc trong quan hệ Pháp-Anh liên quan tới quyền đánh cá]
Căng thẳng bùng phát sau khi Paris cho rằng London đang gây khó khăn, chỉ cấp giấy phép hoạt động "nhỏ giọt" cho ngư dân Pháp và các nước khác thuộc EU đánh bắt cá trong các vùng lãnh hải thuộc Anh.
Sau khi cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa đối với ngành đánh bắt cá và các hoạt động thương mại khác của Anh, ngày 28/10 vừa qua, Pháp đã bắt giữ một tàu đánh cá của Anh và đưa ra cảnh báo đối với một tàu khác.
Theo số liệu của phía Pháp, tính đến ngày 28/10, có 108 đơn xin cấp phép cho các tàu cá Pháp vẫn đang chờ xử lý để được đánh bắt ở các vùng biển được phép của Anh.
Phía Anh cho biết các tàu Pháp bị từ chối cấp phép hoạt động do không cung cấp đầy đủ bằng chứng về lịch sử hoạt động đánh bắt cá trong khu vực trên như quy định trong Hiệp định TCA giữa Anh và EU.
Có một nội dung đề cập đến việc tiếp cận của ngư dân các nước EU đối với các vùng biển của Anh, nơi họ đánh bắt trước Brexit./.