Pháp, Anh đối mặt làn sóng đình công trong lĩnh vực vận tải công cộng

Lãnh đạo nghiệp đoàn CGT - tổ chức kêu gọi đình công, cho biết dự kiến sẽ có từ 150-200 cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Pháp, quy mô tương tự như cuộc biểu tình diễn ra hôm 18/10.
Pháp, Anh đối mặt làn sóng đình công trong lĩnh vực vận tải công cộng ảnh 1Hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành đòi tăng lương tại Rennes, Pháp, ngày 18/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nghiệp đoàn tại Pháp đã kêu gọi nhân viên ngành vận tải hành khách công cộng nước này tham gia đình công vào ngày 10/11, trong bối cảnh lạm phát leo thang ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống.

Đây là lĩnh vực mới nhất kêu gọi đình công tại Pháp, sau làn sóng đình công bắt đầu tại các nhà máy lọc dầu hồi cuối tháng 9. 

Nhà điều hành vận tải RATP tại thủ đô Paris đã cảnh báo về nguy cơ gián đoạn đặc biệt nghiêm trọng đối với các tuyến tàu điện ngầm và đường sắt ngoại ô vào ngày 10/11, trong khi các dịch vụ xe buýt và xe điện cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng do tình trạng đình công và các cuộc tuần hành. 

RATP thông báo sẽ đóng cửa hoàn toàn 7 tuyến tàu điện ngầm và duy trì vận hành 7 tuyến khác chỉ vào giờ cao điểm. RATP cho biết chỉ có 2 tuyến tàu chạy tự động là hoạt động bình thường, song cũng sẽ đối mặt nguy cơ cao bị quá tải.

Bên cạnh đó, dịch vụ đường sắt các tuyến ngoại ô RER A và RER B, nối trung tâm Paris với Disneyland Paris và sân bay Charles de Gaulle, cũng sẽ chỉ hoạt động một phần.

Cuộc đình công dự kiến ngày 10/11 diễn ra vào thời điểm hầu hết hành khách đều không hài lòng với dịch vụ giao thông công cộng tại Paris, khi các dịch vụ này vẫn bị hạn chế kể từ sau đại dịch COVID-19, dù mật độ giao thông đã trở lại như trước đây.

Cựu Thủ tướng Jean Castex, người sẽ đảm nhận vị trí giám đốc RATP trong những tuần tới, cho biết một trong những ưu tiên của ông khi làm lãnh đạo ngành này là cải thiện nguồn nhân lực, trong đó dự kiến tăng số lượng tuyển dụng.

Bà Celine Verzeletti, lãnh đạo nghiệp đoàn CGT - tổ chức kêu gọi đình công, cho biết dự kiến sẽ có từ 150-200 cuộc biểu tình diễn ra trên cả nước, quy mô tương tự như cuộc biểu tình diễn ra hôm 18/10 đối với ngành năng lượng nước này.

[Hàng nghìn người đình công tại Pháp yêu cầu tăng lương]

Cùng ngày, các nhân viên làm việc tại ga tàu điện ngầm thủ đô London (Anh) - London Underground cho biết sẽ tiến hành đình công trong tuần này, sau khi các cuộc đàm phán giữa nghiệp đoàn và đơn vị điều hành các tuyến giao thông công cộng không giải quyết được tranh chấp hợp đồng. 

Lãnh đạo của của Liên đoàn Công nhân Hàng hải, Đường sắt và Vận tải Anh (RMT) cho biết, Công ty Vận tải London (TfL) và các nghiệp đoàn sau đàm phán vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

TfL cảnh báo các dịch vụ vận tải sẽ bị hạn chế hoặc gián đoạn trên toàn mạng lưới giao thông công cộng London ngày 10/11, trong khi ảnh hưởng từ các cuộc tuần hành có thể kéo dài đến ngày 11/11.

London Underground là nền tảng giao thông công cộng được 5 triệu hành khách sử dụng mỗi ngày. Đây cũng là mạng lưới tàu ngầm lâu đời nhất thế giới, dài khoảng 400km với 272 ga.

Ông Glynn Barton, Giám đốc điều hành của TfL, đã gửi lời xin lỗi đến hành khách và khẳng định vẫn sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán để giải quyết yêu cầu từ phía lao động. 

Các nhân viên ngành đường sắt tại Anh, cũng như nhiều lĩnh vực khác, đều gặp vấn đề về hợp đồng liên quan yêu cầu tăng lương.

Hồi đầu tháng 10, các nhân viên đường sắt tại Anh cũng đã tổ chức đình công, gây gián đoạn khi chỉ có 11% tổng số tàu hoạt động trên cả nước và nhiều địa phương không thể cung cấp dịch vụ đường sắt.

Hàng chục nghìn người lao động trong nhiều lĩnh vực như bưu điện, viễn thông cũng đình công trên khắp nước Anh kể từ mùa Hè. 

Pháp, Anh, cũng như nhiều nước châu Âu khác đang đối mặt với lạm phát tăng vọt, khiến giá năng lượng, lãi suất và chi phí lương thực đồng loạt tăng cao trong thời gian gần đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục