Pháo đất là trò chơi dân gian đặc sắc có từ lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương.
Hàng năm, cứ mỗi độ Xuân về cho đến dịp tháng tư âm lịch, nhân dân nhiều xã ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc (Hải Dương) lại tổ chức thi pháo đất. Những trận đấu pháo giữa các làng thường được tổ chức ở sân kho, sân đình vào các ngày rằm và mùng 1 hằng tháng.
Trò chơi này mô phỏng theo nghi lễ cầu mùa, hình thành trong quá trình người Việt chống chọi với thiên tai, địch họa. Dân gian quan niệm, tiếng pháo càng to càng báo hiệu một mùa mưa nắng thuận hòa, cây cối tươi tốt.
Truyền thuyết về trò chơi pháo đất có nhiều nguồn tư liệu khác nhau nhưng có 2 truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi đó là nhân dân ném đất xuống khúc Sông Hóa tiếp giáp các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình để cứu con Voi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong trận đánh năm 1288. Từ đó, khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần dần hình thành nên trò chơi pháo đất.
Truyền thuyết thứ hai là trò chơi này có từ thời Hai Bà Trưng khi nữ tướng Lê Chân dùng pháo đất với mục đích nghi binh và áp đảo tinh thần để đánh giặc Đông Hán.
Hiện ở Hải Dương, nhiều làng bảo tồn được trò chơi dân gian đặc sắc này như xã Minh Đức, Quang Khải (huyện Tứ Kỳ); Nghĩa An, Ứng Hòe, Kiến Quốc (huyện Ninh Giang); Đức Xương (huyện Gia Lộc)...
Những năm gần đây, ngoài việc duy trì hội thi giữa các làng, cấp huyện hoặc liên vùng...tỉnh Hải Dương đã đưa Hội thi Pháo đất toàn tỉnh vào chương trình Lễ hội Mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Là một trong những hoạt động phần hội của Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc hàng năm, Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần thượng võ dân tộc, tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe cho cộng đồng dân cư, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hải Dương.
Liên hoan Pháo đất tỉnh Hải Dương năm 2023 thu hút 210 pháo thủ đến từ 7 xã gồm Đức Xương (huyện Gia Lộc), Minh Đức, Đại Hợp, Quang Khải (huyện Tứ Kỳ), Tân Hương, Nghĩa An, Tân Quang (huyện Ninh Giang).
Theo các pháo thủ, đất làm pháo phải là đất thịt, được lấy từ ở các cánh đồng và không được lẫn phù sa, tạp chất, lấy ở độ sâu khoảng 2 mét. Sau khi lấy đất về phải dùng liềm thái, vồ đập cho đất nhuyễn, mịn và không dính tay. Người chơi còn phải nấu hồ để hòa lẫn vào đất để tạo độ kết dính.
Khi làm đất xong, quá trình làm một quả pháo khá công phu. Các pháo thủ phải dùng chân, tay để dậm, đấm, lèn chặt quả đất để tạo hình cho quả pháo. Pháo phải có hình bầu dục, mõm pháo nhỏ hơn gáy pháo, phần giữa dày hơn hai bên. Sau khi tạo hình xong quả pháo, các pháo thủ dùng khăn vải thấm nước, vắt khô để lau mép pháo, dùng hai tay bấm manh pháo (viền mép pháo) cho đều...
Khi đã bấm manh xong, pháo thủ dùng dao (hoặc thanh tre nhọn) khía sâu vào rãnh của manh cho đứt hẳn. Sau đó, tiếp tục bấm một lần đất phủ kín chỗ đã khía để làm liền manh. Ở phần mõm pháo, pháo thủ rạch một đường dài khoảng 5cm, gọi là ngắt manh, nơi để manh pháo bung ra. Ngắt manh xong, người làm pháo chỉnh cho pháo cân đối lần cuối trước khi gieo.
Rền vang pháo đất tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn Kiếp Bạc năm 2023
Mỗi quả pháo thường có trọng lượng từ 60-80kg nên trước khi gieo cần vài người hỗ trợ nâng pháo lên cho pháo thủ. Khi chuẩn bị gieo, chân pháo thủ đứng vuông với hai vai, khuỷu tay tỳ vào bụng, hai bàn tay xòe ra đỡ lấy bụng pháo và giữ pháo cân bằng.
Khi gieo, pháo thủ phải để hai chân mở bằng vai, dồn lực vào hai gối, hai nách khép, sau đó dùng lực của hai cánh tay để tán pháo, rồi mới gieo xuống. Để gieo pháo tốt, đòi hỏi mỗi pháo thủ phải rèn luyện về sức khỏe và kinh nghiệm.
Đội thắng ở một trận thi đấu phải có tổng số thước các pháo cộng lại lớn hơn đội khác từ 2 thước pháo trở lên (một thước pháo bằng 40cm). Pháo được đo là manh pháo phải bung ra lớn hơn 2 thước và không bị tan./.