Phản ứng trái ngược về Hiến pháp mới của Syria

Ngày 27/2, sau khi người dân Syria thông qua dự thảo Hiến pháp mới, dư luận quốc tế đã có những phản ứng trái ngược về sự kiện này.
Ngày 27/2, sau khi người dân Syria thông qua dự thảo Hiến pháp mới do Tổng thống Bashar al-Assad đề xuất, dư luận quốc tế đã có những phản ứng trái ngược về sự kiện này.

Phó Phát ngôn viên Liên hợp quốc Eduardo del Buey cho biết Liên hợp quốc hoài nghi độ tin cậy của cuộc bỏ phiếu này.

Phát biểu trước báo giới, ông Buey nói rằng bất cứ cuộc bỏ phiếu nào ở Syria đều cần phải được tiến hành "trong điều kiện phi bạo lực và không có sự hăm dọa."

Tuy nhiên, ông Buey cũng thừa nhận rằng hiến pháp mới có thể là một phần của giải pháp chính trị, đồng thời kêu gọi Syria "ưu tiên tìm cách chấm dứt tình trạng rối loạn đẫm máu nhất trong lịch sử nhiều thập kỷ qua ở nước này, bởi chỉ có như vậy một tiến trình lịch sử thực sự mới có thể diễn ra để đáp ứng các nguyện vọng của nhân dân."

Ông cho biết thêm rằng người phụ trách các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc, bà Valerie Amos đang chờ câu trả lời của Syria về đề xuất đến thăm nước này để đánh giá tình hình.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Syria là hoàn toàn không đáng tin cậy khi bạo lực vẫn tiếp diễn tại Homs, Hama và nhiều thành phố khác ở Syria. Phe đối lập ở Syria cũng bác bỏ kết quả trưng cầu, cho rằng kết quả này "không đúng sự thật và đã bị bóp méo."

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Syria, coi đây là một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của người dân dành cho chính quyền.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Mátxcơva đánh giá đây là một bước tiến quan trọng hướng tới cải cách của Chính phủ Syria, nhằm đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ hiện đại."

Nga cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên ở Syria ngừng bạo lực ngay lập tức và khởi động một cuộc đối thoại vô điều kiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
 
 Trước đó, Bộ Nội vụ Syria cho biết dự thảo hiến pháp mới đã nhận được 89,4% số phiếu ủng hộ, với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 57,4%.

Hiến pháp mới quy định tổng thống Syria được bầu trực tiếp, cầm quyền tối đa trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 7 năm, đồng thời hủy điều 8 trong Hiến pháp cũ liên quan đến vấn đề đảng phái.

Bộ Nội vụ Syria xác nhận bạo lực đã làm gián đoạn hoạt động bỏ phiếu ở một số địa điểm, song cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra bình thường tại đa số các tỉnh thành trên cả nước.

Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Tổng thống Tunisa đã tái khẳng định lập trường của Tunis là phản đối "bất kỳ hình thức can thiệp quân sự nào như chủ trương của Liên đoàn Arập (AL)" vào cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.
 
Ông cũng loại trừ khả năng Tunisa sẽ cung cấp vũ khí cho Quân đội Syria Tự do (SFA) của phe đối lập, vì điều đó "cũng đồng nghĩa với hành động can thiệp nước ngoài và can thiệp quân sự tại Syria."

Theo thông tin mới nhất, dự kiến các Ngoại trưởng AL sẽ nhóm họp trong hai ngày từ ngày 10/3 tới tại Cairo (Ai Cập) để thảo luận về tình hình tại Syria và chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh AL tại Irắc vào tháng tới.

Tại Syria, Ủy ban Điều phối Địa phương (LCC) của phe đối lập cho biết trong ngày 27/2 đã xảy ra một "vụ thảm sát" tại Homs làm 64 người thiệt mạng khi họ đang trên đường sơ tán khỏi quận Baba Amr).

Trong khi đó, người đứng đầu tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Arập - Syria, ông Abdel Rahman Attar cho biết các nỗ lực nhằm sơ tán các nhà báo nước ngoài bị thương ra khỏi Baba Am trong ngày 27/2 đã thất bại./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục