Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Quyết định gây tranh cãi này đang tạo ra những phản ứng trái chiều tại "Thành phố Thép."
Các công nhân và doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Pittsburgh, miền Tây Pennsylvania, nơi từng sản xuất lượng thép khổng lồ cho thị trường thế giới, cho rằng quyết định áp thuế của ông Trump không phải là biện pháp bảo hộ, mà là sự ủng hộ đối với người lao động Mỹ, đồng thời khẳng định đó là động thái "khôi phục sự công bằng" đã đánh mất trong nhiều thập kỷ.
Bobby "Mac" McAuliffe, người đứng đầu nghiệp đoàn ngành thép District 10 tại Pennsylvania, cho hay những công nhân ngành thép không đòi hỏi sự đối đãi đặc biệt, mà chỉ yêu cầu một sân chơi công bằng. Liên đoàn này đang đại diện cho khoảng 850.000 lao động tại Bắc Mỹ.
Mike Sabat, Chủ tịch nghiệp đoàn ngành thép 9305 cũng cho biết các công nhân đánh giá quyết định áp thuế mới đây của ông Trump là có lợi cho ngành thép trong nước và sẽ giúp tạo mới việc làm.
[Doanh nghiệp Mỹ đồng loạt chỉ trích chính sách thuế với nhôm thép]
Trong khi đó, Christopher Plummer, Chủ tịch công ty tư vấn Metal Strategies, chuyên phân tích ngành thép, cho rằng quyết định của ông Trump sẽ làm dấy lên một làn sóng "trả đũa" từ nước ngoài và giá các sản phẩm sử dụng nhôm như ôtô hay bia lon đều sẽ gia tăng.
Nhà kinh tế Chris Briem từ Đại học Pittsburgh, lưu ý rằng trong những năm 1950 ngành thép của Pittsburgh đứng đầu thế giới về cả quy mô lẫn khả năng cạnh tranh, với 100.000 lao động tại các nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay, con số này đã giảm xuống 5.000, giữa bối cảnh năng suất cải thiện đáng kể và việc chuyển giao công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp này.
Ông Briem nhấn mạnh dù có hay không có mức thuế mới, cũng không thể "tái tạo" ngành công nghiệp thép hùng mạnh tại miền Tây Pennsylvania./.