Ngày 19/6, các quan chức Nhật Bản bày tỏ hy vọng vai trò an ninh của Mỹ, vốn được củng cố ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong suốt nhiều thập kỷ qua, sẽ không thay đổi, bất chấp quyết định của Washington ngừng cuộc tập trận thường niên quy mô lớn với Hàn Quốc.
Phát biểu tại họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Trong bất kỳ trường hợp nào... chúng tôi hiểu Mỹ sẽ không thay đổi cam kết của mình đối với liên minh Nhật-Mỹ, cũng như cấu trúc quân sự của nước này tại Nhật Bản.”
Về phần mình, Ngoại trưởng Taro Kono cũng cho rằng quyết định trên sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với Nhật Bản.
Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao trong Chính phủ Nhật Bản bày tỏ lo ngại việc Mỹ ngừng tập trận có thể làm suy yếu năng lực răn đe, do các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đã gây sức ép hiệu quả đối với Triều Tiên. Trong khi đó, nhiều quan chức trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản lo ngại việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng giảm quy mô binh lính Mỹ ở Hàn Quốc trong tương lai có thể thay đổi cán cân quân sự ở Đông Bắc Á.
[Hàn Quốc nêu lý do ngừng tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi với Mỹ]
Trong một diễn biến liên quan, các chính đảng ở Hàn Quốc phản ứng trái chiều trước quyết định ngừng tập trận chung Người Bảo vệ Tự do Ulchi dự kiến diễn ra vào tháng Tám tới.
Đảng Dân chủ (DP) cầm quyền ngày 19/6 cho biết "hoàn toàn tôn trọng" quyết định của Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời gọi đây là một bước đi phù hợp với hòa bình và xu hướng giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 vừa qua.
Trong một tuyên bố, DP bày tỏ "hy vọng Triều Tiên sẽ có các bước đi tương xứng để giảm căng thẳng." DP cũng kêu gọi các các đảng phái khác hãy tăng cường tin tưởng lẫn nhau thông qua các cuộc gặp trong tương lai và việc thực thi một loạt thỏa thuận, và nhất trí các biện pháp nhằm củng cố hòa bình.
Đảng Dân chủ và hòa bình (PDP), một đảng nhỏ, cũng có phản ứng tương tự. Trong tuyên bố của mình, đảng này cho biết: "Đây không phải lần đầu tiên các đồng minh quyết định ngừng tập trận, vì vậy những người chỉ trích đã lo lắng thái quá khi cho rằng quyết định này sẽ làm suy yếu quan hệ đồng minh Seoul-Washington."
PDP cũng kêu gọi Triều Tiên hồi đáp với động thái trên của Mỹ-Hàn bằng các biện pháp hòa giải như phá bỏ một bãi thử động cơ tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Tuy nhiên, đảng đối lập Hàn Quốc Tự do (LKP) cho rằng Triều Tiên cần phải chứng tỏ sự chân thành trong việc dỡ bỏ các chương trình hạt nhân của mình và các đồng minh nên nối lại tập trận ngay khi Bình Nhưỡng bội ước về phi hạt nhân hóa. LKP nhấn mạnh: "Các đồng minh cần nối lại các cuộc tập trận ngay khi Triều Tiên không có những bước đi rõ ràng hướng tới phi hạt nhân hóa." Đảng này nêu rõ: "Quả bóng đang ở phía sân Triều Tiên."
Trong một diễn biến khác cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk cho biết nước này bày tỏ hy vọng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa, đồng thời khẳng định Hàn Quốc và Trung Quốc có chung mục tiêu chiến lược này. Phát biểu tại buổi họp báo, ông Noh Kyu-duk nêu rõ: "Chính phủ của chúng tôi hy vọng Trung Quốc đóng vai trò xây dựng nhằm giải quyết vấn đề."
Trước đó cùng ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tới Trung Quốc. Đây là lần thứ 3 ông Kim Jong-un thăm Trung Quốc trong năm nay, sau hai chuyến thăm hồi tháng Ba và tháng Năm vừa qua. Chuyến thăm lần này diễn ra chỉ một tuần sau khi ông gặp Tổng thống Mỹ tại Singapore và cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên./.