Phản ứng nhanh để bù đắp giảm sút về kinh tế do tác động của dịch nCoV

Chủ động trước diễn biến xa hơn của dịch, ngay từ khi dịch thâm nhập vào Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động có các giải pháp ứng phó.
Phản ứng nhanh để bù đắp giảm sút về kinh tế do tác động của dịch nCoV ảnh 1Trung tâm thương mại Vincom-Times City thường là nơi tập trung đông người tới mua sắm vui chơi lại trở nên vắng vẻ lạ thường. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

"Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải giữ vững và phát triển kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng."

Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1- phiên họp Chính phủ đầu tiên của năm 2020 trong bối cảnh diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) còn phức tạp, khó lường.

“Lửa thử vàng gian nan thử sức”

Hiện diễn biến dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể đỉnh dịch trong tuần tới và kéo dài. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để phòng chống dịch, Việt Nam đã sớm thành lập Ban chỉ đạo quốc gia và có nhiều chỉ đạo phòng chống dịch chủ động, toàn diện, mạnh mẽ với tinh thần “chống dịch như chống giặc.”

Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là, cũng không được hoang mang, dao động trong phòng chống dịch. Trong Công văn 79-CV/TW của Ban Bí thư về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra cũng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch.

[Thách thức lớn với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% do virus nCoV]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh."

Theo đó, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc triển khai ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của dịch bệnh, đồng thời có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn với tinh thần phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020.

Khẳng định đây là nhiệm vụ đầy thử thách cần phải đối mặt để vượt qua, Thủ tướng cũng chỉ ra Việt Nam cũng có những cơ sở và hơn hết là sự bản lĩnh để phấn đấu.

Đó là Việt Nam có nền tảng tốt trong năm 2019 và cần tiếp tục được phát huy như tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng kinh tế trên 7%. Tỷ lệ lạm phát đạt 2,79% là năm thứ 5 liên tiếp ở mức dưới 4%. Cùng với đó là các giải pháp quyết liệt thực hiện trong thời gian tới như các bộ, ngành liên quan phải có kế hoạch, chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đến phát triển.

Các bộ, ngành liên quan cần chủ động tìm kiếm thị trường, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ, phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công nhiệm vụ năm 2020.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo đánh giá của Viện Hàn Lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, nếu dịch nCoV không sớm được ngăn chặn, tác hại của nó lên nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung có thể là rất đáng kể.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận, phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh này sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong nước và lan tỏa lâu dài.

Theo đó, dịch sẽ tác động trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu các ngành nông sản, thủy sản, dệt may, điện thoại các loại và linh kiện; du lịch; vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không. Về gián tiếp, dịch bệnh sẽ tác động đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư; trong đó, tác động lên ngành nông nghiệp là nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn.

Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân…

Nhận rõ những tác động này tới nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tính toán đưa ra những kịch bản cụ thể. Dự kiến nếu dịch nCoV được khống chế kịp thời trong quý 1/2020 thì ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước, thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra.

Trường hợp dịch nCoV kéo dài sang quý 2/2020 thì tăng trưởng quý 2 là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020, tăng 6,09% so với năm trước, thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đây là con số ước tính, còn tuỳ thuộc vào diễn biến thực tế cũng như chính sách, điều hành của Chính phủ.

Có thể thấy, với kịch bản này cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn của dịch bệnh tới nền kinh tế. Chủ động trước diễn biến xa hơn của dịch, ngay từ khi dịch thâm nhập vào Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động có các giải pháp ứng phó.

Với lĩnh vực nông nghiệp, được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, từ cấp địa phương tới Trung ương đã vào cuộc quyết liệt. Các cơ quan chức năng của các tỉnh có lượng nông sản xuất khẩu lớn như: Long An, Tiền Giang, Bình Thuận, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu… đã khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tích cực hợp tác, tìm kiếm các kênh tiêu thụ, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; trong đó trước mắt ưu tiên thị trường trong nước…Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công Thương làm việc với phía Trung Quốc để khai thông nguồn hàng xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để thúc đẩy nhanh việc mở rộng thị trường nông sản trong tháng 2 này, Bộ sẽ có đoàn đi thị trường Dubai, tháng 3 có đoàn đi thị trường Mỹ, tháng 4 sẽ đi thị trường Nga, các thị trường châu Âu, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường ngách.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý trong thời gian này, các doanh nghiệp tập trung, liên kết chặt chẽ với các vùng nguyên liệu để đẩy mạnh chế biến, giảm bớt xuất khẩu sản phẩm tươi, thô. Người nông dân cũng cần đồng hành, sản xuất có trách nhiệm bằng việc gắn kết, liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất lớn, chuỗi giá trị sâu.

Về phía Bộ Công Thương, để đảm bảo nguồn cung mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhiều kịch bản để ứng phó với những cấp độ khác nhau.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết, Vụ đã làm việc với các nhà phân phối Sài Gòn Co.op, VinMart, Big C cũng như những nhà sản xuất để có kịch bản, phương án đảm bảo nguồn cung hàng hoá phục vụ thị trường kể cả trong trường hợp xấu nhất.

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như ổn định thị trường trong giai đoạn dịch nCoV, Vụ Thị trường trong nước vừa thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin.

Theo đó, bất kỳ người dân hay phóng viên báo đài phát hiện địa điểm, tổ chức cá nhân nào có hiện tượng thiếu, găm hàng, đầu cơ, thổi giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm (trừ khẩu trang và trang thiết bị y tế) liên hệ ngay để Vụ Thị trường trong nước xử lý kịp thời.

Đối với lĩnh vực thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, kinh nghiệm ứng phó với dịch SARD bùng phát hồi năm 2003 phải mất trung bình từ 6-8 tháng.

Phản ứng nhanh để bù đắp giảm sút về kinh tế do tác động của dịch nCoV ảnh 2Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai thông báo tạm dừng xuất nhập cảnh. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Do đó, theo Thứ trưởng Khánh cần nhìn một cách toàn diện, dịch sẽ tác động đến các lĩnh vực của ngành kinh tế, không chỉ xuất khẩu mà còn nhập khẩu và thương mại nội địa. Vì vậy, các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương cần làm rõ những mặt hàng xuất khẩu nào đã, đang và sẽ bị ảnh hưởng do tác động tình hình dịch bệnh nCoV, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho từng mặt hàng.

Mặt khác, phân tích các tác động với hoạt động nhập khẩu, nhất là hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất trong nước để đưa ra giải pháp và định hướng cụ thể.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, ... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Về phía ngành tài chính, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực tuyên truyền ổn định tâm lý nhà đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng tuyên truyền, chống lợi dụng dịch bệnh để làm giá. Trong ngắn hạn, Bộ Tài chính sẽ chủ động theo dõi, yêu cầu hai sở chứng khoán tăng cường giám sát, báo cáo hàng ngày, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, tung tin đồn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục