Ngày 20/1, Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-och đã cảnh báo rằng tình trạng bạo lực sẽ chỉ làm tổn hại tới đất nước, đồng thời yêu cầu các bên trong cuộc xung đột chính trị ngừng chỉ trích và đổ lỗi cho nhau sau các vụ đánh bom gần đây.
Đây là lần đầu tiên ông Prayuth công khai bày tỏ quan điểm của mình sau khi người biểu tình tuyên bố sẽ đẩy mạnh chiến dịch đóng cửa Bangkok, còn phía chính phủ bày tỏ khả năng sẽ áp dụng luật tình trạng khẩn cấp và các biện pháp an ninh chặt chẽ hơn.
Ông Prayuth nói rằng rõ ràng đang có một nhóm người mong muốn sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề liên quan tới tình hình chính trị hiện nay. Ông này cho rằng những biện pháp như vậy sẽ chỉ tạo thêm những vấn đề mới. Cần phải nhìn lại bài học xung đột chính trị đẫm máu năm 2010 để ngăn chặn nó xảy ra một lần nữa.
Phong trào biểu tình chống chính phủ của ông Suthep Thaugsuban đang muốn lợi dụng những vụ đánh bom và tấn công người biểu tình gần để đổ lỗi cho chính phủ và kêu gọi thêm người ủng hộ. Chính phủ Thái Lan đang dự kiến tổ chức một cuộc họp an ninh nhằm đánh giá lại toàn bộ sự việc để có thể có những biện pháp đối phó cứng rắn hơn.
Cho tới nay bà Yingluck Shinawatra vẫn chủ trương không sử dụng cảnh sát trấn áp người biểu tình vì có thể lo ngại điều này sẽ dẫn tới một cuộc căn thiệp quân sự. Mặc dù đã từng xảy ra những vụ xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình, nhưng phần lớn các biện pháp mà chính phủ áp dụng cho tới nay vẫn rất mềm dẻo. Chiến lược này có thể làm cho bà Yingluck bị yếu thế, nhưng bà vẫn phải theo đuổi vì không muốn có sự can thiệp của quân đội.
Theo ông Prayuth xung đột chính trị hiện nay chỉ có thể được giải quyết nếu mọi người cùng phối hợp với nhau và thỏa thuận về một cách thức cùng tiến lên. Đừng thể hiện mong muốn triệt hạ nhau. Hiện tại, nhiều binh sĩ và cảnh sát tốt đang rất mong muốn tình trạng hiện nay được giải quyết. Có một số người đang cố tình gây sức ép đối với quân đội bất chấp một thực tế là các binh sĩ của chúng ta đã phải chịu quá nhiều sức ép từ những nhiệm vụ hàng ngày.
Phong trào biểu tình chống chính phủ hiện vẫn tiếp tục kêu gọi quân đội đứng về phía họ, trong khi những thủ lĩnh biểu tình áo đỏ lại đang cố gắng ám chỉ quân đội phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do họ gây ra trong năm 2010. Những bức ảnh về nghi can trong vụ ném bom gần đây nhất có ám chỉ liên quan tới quân đội đã được những người áo đỏ truyền cho nhau thông qua mạng xã hội. Việc thiết bị quân sự vẫn được duy trì ở thủ đô sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ kỷ niệm ngày quân đội Thái Lan cũng khiến cho nhiều người đặt dấu hỏi.
Sau một tuần thực hiện chiến dịch đóng cửa Bangkok, với mỗi ngày phải chi phí tới 10 triệu bạt, phong trào biểu tình chống chính phủ dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu loại bỏ thủ tướng Yingluck và ngăn chặn cuộc bầu cử dự kiến vào 2/2/2014.
Họ đã quyết định đẩy mạnh các hoạt động bằng việc đóng cửa xưởng in phiếu bầu cử và hủy một số phiếu bầu đã được in xong. Những người biểu tình cũng tổ chức bao vây và đóng cửa Trụ sở Ngân hàng tiết kiệm của chính phủ hòng gây khó khăn cho việc giải ngân hỗ trợ người nông dân trong chương trình trợ giá gạo đang gây thua lỗ khoảng 400 tỷ bạt.
Chính phủ Thái Lan cũng vừa quyết định tạm ngừng thực hiện trợ giá gạo khi chương trình hiện tại hết hạn vào tháng 2/2014 bởi không muốn có thêm gánh nặng nợ nần. Hiện nay, nông dân Thái Lan ở các tỉnh vẫn đang gây sức ép buộc chính phủ phải chi trả những khoản nợ trong chương trình trợ giá gạo của mùa trước đã lên tới khoảng 130 tỷ bạt. Theo luật pháp Thái Lan, chính phủ tạm quyền cần phải tìm kiếm được sự nhất trí của Ủy ban bầu cử quốc gia mới có thể giải ngân được khoản tiền lớn này.
Trong một cuộc thăm dò gần đây vừa được công bố, hơn 80% trong số gần 1.400 người được hỏi đều cho rằng tình hình hiện nay có thể sẽ dẫn tới bạo lực sau khi xuất hiện nhiều vụ đánh bom và tấn công ở các điểm mà người biểu tình chống chính phủ cắm chốt./.