Phản ứng của châu Âu đối với quan điểm của ông Donald Trump

Chính sách thương mại cứng rắn của nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia châu Âu với những phản ứng khác nhau.
Ông Donald Trump đã ký nhiều sắc lệnh sau khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ. (Nguồn: AP)

Chính sách thương mại cứng rắn của nước Mỹ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump đang thu hút sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia châu Âu với những phản ứng khác nhau.

Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh ngày 23/1 nhận định chủ nghĩa bảo hộ sẽ chi phối toàn bộ chính sách thương mại của Chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump.

Báo này cho rằng ông Trump đã bắt đầu những bước đi nhằm cụ thể hóa chính sách bảo hộ thương mại ngay sau khi tiếp quản quyền lực từ người tiền nhiệm Barack Obama với việc quyết định đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời cảnh báo giới doanh nghiệp nước này về các hậu quả của việc dịch chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Nhiều khả năng ông Donald Trump cũng sẽ tuyên bố từ bỏ các nỗ lực nhằm ký kết một thỏa thuận tương tự giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), được biết đến với tên gọi Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). 

Cùng ngày, quan chức phụ trách đàm phán thương mại của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại tại nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump hiện nay càng nêu bật tầm quan trọng hơn bao giờ hết của thỏa thuận thương mại phải khó khăn mới đạt được giữa EU và Cananda.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, bà Cecilia Malmstroem, Ủy viên Thương mại EU, nhấn mạnh đây là thời điểm EU cần thể hiện sự đoàn kết giữa các thành viên trong khối, cũng như với các đối tác quan trọng bên ngoài như Canada "để chứng minh rằng các thỏa thuận thương mại đang thực sự phát huy hiệu quả."

Lời kêu gọi này được bà Malmstroem đưa ra nhằm thuyết phục các nghị sỹ Nghị viện châu Âu thông qua thỏa thuận thương mại được EU và Canada ký kết tháng 10 năm ngoái sau 7 năm chuẩn bị.

Ngoài sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu, thỏa thuận này còn cần đến sự thông qua của hơn 30 nghị viện quốc gia và khu vực thành viên EU.

Bà Cecilia Malmstroem nhấn mạnh: "Kể từ sau sự kiện khai tử, hay còn được gọi là hủy bỏ hoặc chôn vùi TPP, nhiều nước đang trông đợi vào Liên minh châu Âu mà muốn thấy chúng ta lên tiếng khẳng định sự đoàn kết." 

Trong khi đó Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại lên tiếng hoan nghênh chủ trương bảo hộ được Tổng thống Mỹ thể hiện qua khẩu hiệu "America First" (Nước Mỹ trước hết).

Phát biểu ngày 23/1 trong một hội nghị kinh tế, Thủ tướng Hungary cho rằng chủ trương của ông Donald Trump đã "mở đường cho các nước khác đi theo."

Ông Viktor Orban cũng cảnh báo châu Âu nên từ bỏ "ảo tưởng về chủ nghĩa liên bang"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục