Phản ứng của các nước với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Nhu cầu năng lượng tăng vọt sau khi Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác bắt đầu phục hồi sau đại dịch khiến thị trường năng lượng thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện.
Phản ứng của các nước với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu ảnh 1Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Chevron tại Richmond, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, thị trường năng lượng thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhu cầu năng lượng tăng vọt sau khi Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

Ở châu Âu, mùa Đông lạnh giá đã khiến nguồn dự trữ khí đốt cạn kiệt, sản lượng điện gió bổ sung cho lưới điện cũng giảm sau khoảng thời gian đình trệ. Trong khi đó, chi phí phát thải CO2 đã đạt mức kỷ lục.

Nga, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu, đã từ chối tăng nguồn cung trên thị trường giao dịch ngắn hạn mặc dù mới đây Điện Kremlin cho biết họ cũng bắt đầu có các biện pháp hỗ trợ.

Ở châu Á và châu Âu, giá năng lượng đều đang tăng và Mỹ đang phải theo dõi trong lo lắng.

Trung Quốc

Ngày 12/10, Trung Quốc, quốc gia đang cắt điện trên diện rộng, cho biết họ sẽ cho phép các nhà máy nhiệt điện sử dụng than chuyển các mức phí phát điện cao sang một số người tiêu dùng thông qua giá điện theo định hướng thị trường.

Việc điều chỉnh giá điện theo thị trường được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà máy điện thua lỗ tăng sản lượng. Chính quyền địa phương đã được khuyến khích giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình trang trải chi phí điện gia tăng.

Các công ty ở trung tâm công nghiệp đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ, cư dân phải chịu cảnh mất điện và các buổi trình diễn ánh sáng hàng năm đã bị hủy bỏ. Ở Quảng Đông, chính quyền thậm chí còn cấm sử dụng thang máy trong các tòa nhà văn phòng từ tầng 3 trở xuống.

Các quan chức đã yêu cầu hơn 70 mỏ khai thác ở Nội Mông tăng sản lượng than lên gần 100 triệu tấn trong tháng 10 này. Ngày 29/9, Sơn Tây, khu vực sản xuất than lớn nhất của Trung Quốc, đã cam kết cung cấp than cho 14 khu vực khác trên toàn quốc để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong mùa Đông này.

[Khủng hoảng năng lượng - hồi chuông cảnh tỉnh về nhiên liệu hóa thạch]

Khi tình trạng thiếu hụt tiếp diễn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy họ đang cân nhắc tốc độ chuyển đổi năng lượng của nước này. Theo Tân Hoa xã, hôm 9/10, phát biểu tại một cuộc họp của ủy ban năng lượng quốc gia, với sự góp mặt của một số quan chức cấp cao, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này nên đặt ra một thời gian biểu theo từng giai đoạn và một lộ trình cho mục tiêu cao nhất về phát thải carbon.

Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc nên xây dựng một hệ thống năng lượng hiện đại và cải thiện khả năng “tự lực” trong việc cung cấp năng lượng.

Ấn Độ

Trong một động thái có thể làm tăng giá năng lượng toàn cầu vốn đã ở mức cao, Ấn Độ - quốc gia có lượng than dự trữ trong các nhà máy điện giảm xuống mức thấp chưa từng có - đã yêu cầu các nhà sản xuất điện nhập khẩu tới 10% số than mà họ cần.

Ấn Độ cũng cảnh báo sẽ hạn chế nguồn cung cấp điện tới các bang ở trong nước nếu các bang này bị phát hiện bán điện trên sàn giao dịch để trục lợi khi giá điện tăng. Bộ Điện lực Ấn Độ cho biết họ đã chỉ đạo các công ty tăng cường cung cấp điện cho thủ đô New Delhi, sau khi thị trưởng thành phố này cảnh báo một cuộc khủng hoảng điện có thể xảy ra.

Ở cấp tiểu bang, chính quyền đang khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm và triển khai cắt điện theo lịch trình để giảm mức tiêu thụ. Việc cắt điện theo lịch trình lần đầu được thực hiện ở Punjab - kéo dài tới 6 giờ - đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình.

Châu Âu

Giá khí đốt tại châu Âu đang ở mức kỷ lục, đẩy giá điện bán buôn tăng 200% trong 9 tháng đầu năm 2021. Vương quốc Anh, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn cung ở Biển Bắc cạn kiệt và trữ lượng khí đốt hạn chế, đang cân nhắc để cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng được vay tiền nhằm hỗ trợ thanh toán hóa đơn điện.

Phản ứng của các nước với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu ảnh 2Một mỏ dầu của công ty Aramco. (Ảnh: AFP/Getty)

Tại Tây Ban Nha, quốc gia có giá điện tăng gấp 3 lần kể từ tháng 12/2020, chính phủ đã công bố các biện pháp khẩn cấp để giới hạn giá điện và lợi nhuận của công ty. Trong khi đó, Pháp và Italy đã cam kết chi trả để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo nhất.

Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc xem liệu các nước thành viên có nên mua chung nguồn cung cấp khí đốt khẩn cấp hay không. Tuy nhiên, các nước đang có những ý kiến trái chiều về việc này, cũng như các kế hoạch khác - dự kiến được giới lãnh đạo EU thảo luận vào tuần tới - và nhiều khả năng là tự nguyện.

Pháp và Tây Ban Nha đang đứng ra kêu gọi cải cách thị trường năng lượng ngày càng tự do của EU, mặc dù các quan chức trong khối đã có những tín hiệu phản ứng trái chiều trước bất kỳ thay đổi lớn nào.

Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson kỳ vọng giá khí đốt sẽ "giảm dần" kể từ mùa Xuân 2022. Các quan chức cũng hy vọng Nga sẽ thực hiện cam kết tăng nguồn cung khí đốt trên thị trường ngắn hạn, giúp giảm bớt áp lực về nhu cầu tiêu thụ.

Mỹ

Mỹ đang thận trọng theo dõi các vấn đề năng lượng hiện nay ở châu Âu trong bối cảnh ngày càng đáng lo ngại rằng cuộc khủng hoảng có thể lan sang Mỹ trong mùa Đông 2021.

Giá xăng tại Mỹ đã tăng 47% kể từ đầu tháng 8/2021, trong khi giá dầu cũng đang lên cao. Ngân hàng Mỹ (Bank of America) dự đoán nhu cầu tăng vọt do thời tiết lạnh giá có thể đẩy giá dầu thô Brent vượt mức 100 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 năm qua.

Giá xăng tăng - một vấn đề chính trị khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden đau đầu trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 - đã khiến Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm đề xuất Mỹ có thể khai thác kho dầu khẩn cấp để giảm giá dầu và nhiên liệu động cơ.

Thời gian gần đây, chi phí bơm dầu tăng cao - lên mức 3,2 USD/gallon (1 gallon tương đương khoảng 3,79 lít) - đã buộc Nhà Trắng yêu cầu các nước sản xuất dầu tăng sản lượng, một động thái khiến các nhà vận động chống biến đổi khí hậu giận dữ.

Mỹ đang trải qua giai đoạn đầu Thu “yên bình” đến bất thường, khi nhu cầu khí đốt tương đối thấp, dẫn tới những lo ngại về cách nước này ứng phó với một đợt không khí lạnh đột ngột trong mùa Đông. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia vẫn tin tưởng vào khả năng dự trữ khí đốt của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục