Sau khi cử tri Anh bỏ phiếu quyết định nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), lãnh đạo các nước châu Á-Thái Bình Dương ngày 24/6 đã bày tỏ quan ngại về những tác động kinh tế của sự kiện này.
Tại Nhật Bản, trong phiên họp khẩn của Nội các, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ phối hợp với các thành viên khác trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) để bảo vệ kinh tế toàn cầu không bị rơi vào khủng hoảng. Ông khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sự ổn định của tiền tệ và các thị trường tài chính.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima nhấn mạnh hậu quả trước mắt của việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, sẽ là sự rối loạn thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia ở các mức độ khác nhau. Ông nêu rõ trong ngắn hạn, sẽ có những phản ứng cảm tính trước những nguy cơ và bất ổn ngày càng tăng trên thị trường tài chính toàn cầu.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh về Brexit là bước chuyển biến và còn quá sớm để có thể đánh giá điều này sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á và các khu vực khác như thế nào.
Nhà lãnh đạo Singapore nhận định kết quả này phản ánh sự lo lắng của người dân Anh về vấn đề nhập cư, sự bức xúc khi phải thương lượng và thích ứng với các đối tác châu Âu, cũng như nguyện vọng lấy lại bản sắc và chủ quyền. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng trên thực tế, xu hướng từ bỏ và quay lưng của một số nước sẽ dẫn đến sự suy giảm về an ninh, thịnh vượng và tương lai mơ hồ hơn.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đánh giá Brexit là sự kiện mang tính lịch sự và chưa có tiền lệ. Ông cho rằng một thời kỳ bất ổn của thị trường tài chính sẽ xảy ra khi sự chia rẽ trở nên rõ ràng hơn và quá trình đàm phán Anh rời khỏi EU được tiến hành. Ông cho biết Malaysia sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và thận trọng trước bất kỳ nguy cơ mới về kinh tế nào. Tuy nhiên, ông nhận định sự kiện Brexit sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Malaysia.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cũng cho rằng ảnh hưởng của Brexit đối với nước này sẽ hạn chế, song Jakarta sẽ theo dõi chặt chẽ tác động đến các thỏa thuận song phương của Indonesia với Anh và EU.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thái Lan Sek Wannamethee cho biết Thái Lan vẫn công nhận Anh là một đối tác chiến lược quan trọng, dù nước này không còn là thành viên trong EU. Ông nêu rõ mối quan hệ hai nước là dựa trên lợi ích chung ở tất các cấp gồm chính phủ, lĩnh vực tư nhân và người dân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc tôn trọng lựa chọn của người dân Anh, đồng thời hy vọng Anh và EU sẽ thảo luận về tiến trình Anh rời khỏi liên minh sớm nhất có thể. Bà nhấn mạnh "một châu Âu thịnh vượng và ổn định là mối quan chung của tất cả các bên"./.