Phản ứng các bên sau phán quyết của tòa hiến pháp Thái

Ủy viên phụ trách tổ chức bầu cử của Ủy ban bầu cử Thái Lan cho rằng phán quyết này chưa thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.
Phản ứng các bên sau phán quyết của tòa hiến pháp Thái ảnh 1Người phát ngôn Tòa án hiến pháp Pimon Thammapitakpong đang đọc phán quyết. (Nguồn: Hà Linh/Vietnam+)

Phản ứng trước phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan rằng cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 vừa qua là không hợp pháp, ngày 21/3, Ủy viên phụ trách tổ chức bầu cử của Ủy ban bầu cử Thái Lan, Somchai Srisutthiyakorn, cho rằng phán quyết này chưa thể giúp chấm dứt được cuộc khủng hoảng chính trị bởi sự chia rẽ đã quá sâu sắc trong lòng xã hội Thái Lan.

Mặc dù Ủy ban bầu cử và chính phủ sẽ phải thống nhất ấn định ngày bầu cử mới, nhưng liệu những người áo đỏ và Phong trào biểu tình chống chính phủ có muốn chấp nhận tổ chức bầu cử mới hay không.

Đảng Vì Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp nhằm thảo luận các cách thức đối phó với phán quyết của tòa án, trong đó khẳng định đảng này sẵn sàng tham gia cuộc bầu cử mới và chờ đợi xem đảng Dân chủ cũng những Phong trào biểu tình chống chính phủ có thực sự mong muốn chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay hay không.

Đảng Dân chủ cũng đã đưa ra tuyên bố nói rằng họ có thể sẽ lại tẩy chay cuộc bầu cử mới bởi bầu cử sẽ không giải quyết được vấn đề gì chừng nào chưa tiến hành xong cuộc cải cách.

Quan điểm của đảng này là Thủ tướng Yingluck Shinawatra và chính phủ của bà phải từ chức để chịu trách nhiệm đối với phán quyết không công nhận bầu cử của tòa án. Rõ ràng những người Dân chủ hiểu rằng nếu tổ chức ngay một cuộc bầu cử mới, họ sẽ lại thất bại và đảng này thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản "đảng bị giải tán" khi tiếp tục tẩy chay bầu cử.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban thì tuyên bố Phong trào biểu tình sẽ không cho phép tổ chức ngay một cuộc bầu cử mới trừ phi công tác cải cách bầu cử được hoàn tất và đảng Vì Thái Lan đừng mong đợi sẽ lại giành được quyền điều hành đất nước.

Những người biểu tình chống chính phủ rất "hài lòng" vì cuộc bầu cử ngày 2/2 không được công nhận và họ sẽ lại có hành động cản trở cuộc bầu cử mới nếu nó diễn ra.

Phán quyết này cũng có nghĩa là Thái Lan sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới cho dù chưa rõ là liệu cuộc bầu cử đó có thể đưa họ thoát khỏi những bế tắc chính trị hiện nay hay không.

Theo người phát ngôn của Tòa án hiến pháp Pimon Thammapitakpong, cuộc bầu cử này không được công nhận bởi nó vi phạm điều 108, khoản 2 của hiến pháp sau khi có 28 khu vực bầu cử không thể tổ chức bỏ được trong cùng ngày 2/2.

Điều khoản này quy định cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức trong cùng một ngày trên toàn quốc. Ủy ban bầu cử quốc gia sẽ có trách nhiệm thảo luận với chính phủ để ấn định ngày bầu cử mới.

Riêng phán quyết không công nhận cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết như việc ai sẽ chịu trách nhiệm vì khoản chi phí tổ chức bầu cử 3 tỷ baht hay tại sao quyền tranh cử và bỏ phiếu của người dân lại không được tôn trọng. Liệu những người cản trở tiến trình bầu cử có phải chịu trách nhiệm gì về sự thất bị của cuộc bầu cử lần này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục