Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác điều trị bệnh sởi, Bộ Y tế đã yêu cầu các sở y tế và các bệnh viện triển khai các giải pháp phân tuyến điều trị tại địa phương tránh dồn người bệnh lên tuyến tỉnh và thực hiện chuyển người bệnh nặng lên tuyến trên hợp lý.
Bên cạnh đó, thực hiện công tác kiểm tra cách ly người bệnh sởi, thu dung, điều trị như dịch cúm sử dụng khẩu trang, hạn chế thăm người bệnh, tuân thủ nguyên tắc phòng lây nhiễm có sự giám sát của nhân viên y tế.
Các sở y tế triển khai thực hiện tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi được ban hành theo Quyết định số 1327/QĐ-BYT ngày 18/4/2014 cho tất cả các đơn vị thuộc hệ điều trị, chú ý các cơ sở y tế tư nhân; sở y tế các tỉnh, thành phố phải tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bổ sung ngay trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm (Gamma globulin) bảo đảm cấp cứu, điều trị người bệnh; đảm bảo chế độ phụ cấp cho người làm công tác phòng chống bệnh sởi.
Các cán bộ y tế sẽ được hưởng chế độ phụ cấp phòng chống dịch kể từ ca bệnh sởi đầu tiên được ghi nhận tại bệnh viện trong năm 2014.
Bên cạnh đó, các sở y tế phải tăng cường công tác kiểm tra các bệnh viện trên địa bàn về việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế, sở y tế trong việc phòng, chống bệnh sởi như sàng lọc người bệnh, phân luồng, cách ly, điều trị tại các bệnh viện, thực hiện hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Trong đó, tuyến xã, phường thực hiện tư vấn chăm sóc và điều trị người bệnh không có biến chứng; tuyến huyện tư vấn chăm sóc và điều trị người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp; tuyến tỉnh chăm sóc và điều trị tất cả các người bệnh mắc sởi có biến chứng; tuyến Trung ương hỗ trợ kỹ thuật và điều trị những ca biến chứng nặng.
Đối với các bệnh viện, phải kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch của bệnh viện, có sự phân công rõ ràng, hợp lý giữa các tiểu ban điều trị, hậu cần, giám sát, truyền thông; công tác sàng lọc phải được đặt lên hàng đầu.
"Cần có biển báo hướng dẫn cho những trường hợp trẻ em chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, hoặc tiêm chưa đầy đủ có biểu hiện nghi sởi đến buồng khám sởi để khám, phân luồng, cách ly, sàng lọc để quyết đinh điều trị ngoại trú hay nội trú theo hướng dẫn. Buồng sàng lọc sởi phải bố trí tách riêng không lẫn với khu khám bệnh. Thực hiện phân công bác sỹ, điều dưỡng có kinh nghiệm trong khám, chẩn đoán, điều trị người bệnh sởi để hướng dẫn cho người bệnh, người nhà người bệnh ngay từ lúc tiếp đón đặc biệt với trẻ em chưa được tiêm vắc xin hoặc trẻ em dưới 9 tháng tuổi," phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Ngoài ra, các bệnh viện cần chuẩn bị tốt các điều kiện khám bệnh, cấp cứu và điều trị, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện và thuốc để sẵn sàng tiếp đón, chẩn đoán, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp và các bệnh lý nhi khoa khác khi có diễn biến dịch bệnh xảy ra; tích cực chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại chỗ, chuyển tuyến hợp lý và sẵn sàng các điều kiện để tiếp nhận bệnh nhân ổn định từ bệnh viện Trung ương chuyển về./.