Phần lớn tin chứa trong tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ là giả

Bộ trưởng quốc phòng của Hàn Quốc-Mỹ đã có một cuộc điện đàm và hai nước có chung quan điểm rằng rất nhiều thông tin chứa trong các tài liệu mật của Lầu Năm Góc đươc cho bị rò rỉ là giả mạo.
Phần lớn tin chứa trong tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ là giả ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc họp báo chung tại Washington D.C., ngày 3/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 11/4, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho hay Bộ trưởng Quốc phòng nước này và Mỹ đã điện đàm và nhất trí đánh giá rằng phần lớn thông tin chứa trong các tài liệu mật của Lầu Năm Góc đươc cho là bị rò rỉ trên mạng là thông tin giả mạo.

Ông Kim Tae-hyo đưa ra phát biểu này với các phóng viên khi ông tới Washington D.C để thảo luận công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.

Ông Kim Tae-hyo nêu rõ: “Các bộ trưởng quốc phòng của hai nước đã có một cuộc điện đàm sáng nay và hai nước có chung quan điểm rằng rất nhiều thông tin bị phát tán là bịa đặt."

Trong khi đó, Văn phòng của Tổng thống Yoon Suk Yeok ngày 11/4 tuyên bố những ý kiến nghi ngờ Mỹ do thám các cuộc trao đổi nội bộ của văn phòng này là "sai và vô lý." Tuyên bố khẳng định Văn phòng Tổng thống bảo đảm an ninh rất chặt chẽ thông qua hệ thống an ninh phối hợp và các nhân sự phụ trách an ninh.

Trước đó, một số nghị sỹ đảng Dân chủ đối lập tại Hàn Quốc cho rằng Văn phòng Tổng thống dễ bị do thám. Các nghị sỹ đưa ra chỉ trích này sau khi có thông tin báo chí, dựa trên các tài liệu của Lầu Năm Góc được cho là bị rò rỉ trên mạng, cho rằng Washington nghe lén các cuộc trao đổi của các quan chức hàng đầu tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ "những cáo buộc đó là sự nghi ngờ sai và vô lý." Tuy nhiên, tuyên bố khẳng định văn phòng ưu tiên kiểm tra tính xác thực của các tài liệu phát tán trên mạng và làm rõ các chi tiết liên quan.

Cũng liên quan vấn đề trên, người đứng đầu Lực lượng Quốc phòng Australia Angus Campbell nhận định vụ tin tình báo Mỹ được cho là bị rò rỉ là một vụ việc nghiêm trọng và Mỹ đang tiếp xúc với các đối tác để tìm hiểu hậu quả.

[Mỹ cam kết hợp tác với Hàn Quốc sau vụ rò rỉ tài liệu mật]

Trước đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/4 cho biết Hàn Quốc sẽ tiến hành các cuộc thảo luận cần thiết với phía Mỹ sau thông tin cáo buộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) chặn thu những nội dung liên lạc của Chính phủ Hàn Quốc liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Trong một thông tin được công bố hôm 8/4 tại Mỹ (giờ địa phương), tờ New York Times cho biết một số phần trong những tài liệu của CIA đã nêu chi tiết “những cuộc tranh luận nội bộ của Hàn Quốc về việc liệu có cung cấp đạn pháo của Mỹ để sử dụng tại Ukraine hay không, điều vi phạm chính sách của Seoul về cung cấp viện trợ sát thương.”

Báo trên cũng nhấn mạnh các quan chức Hàn Quốc lo ngại Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gây sức ép đòi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thông qua việc viện trợ đạn pháo cho Ukraine, cũng như quan ngại về việc Mỹ biết được các cuộc thảo luận của Hàn Quốc thông qua “một báo cáo tin tình báo bằng tín hiệu.”

Theo tờ báo, đây là một thuật ngữ của các cơ quan tình báo nhằm mô tả các thông tin liên lạc bị chặn thu, từ các cuộc điện thoại cho đến tin nhắn điện tử.

Phát biểu họp báo ngày 9/4, một quan chức của văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: “Chúng tôi sẽ xem xét các tiền lệ và những trường hợp liên quan đến các nước khác, và đưa ra phản ứng của chúng tôi một cách phù hợp.”

Quan chức này nói rằng Hàn Quốc vẫn chưa quyết định về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục