Phần lớn người dân Thụy Sĩ ủng hộ duy trì tính trung lập

Cuộc khảo sát “An ninh 2023” nằm trong chương trình khảo sát dư luận hằng năm về các vấn đề chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng, để đánh giá các xu hướng dài hạn.
Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Theo kết quả cuộc khảo sát “An ninh 2023” vừa được công bố, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, người dân Thụy Sĩ vẫn đồng thuận về việc nước này tiếp tục duy trì nguyên tắc trung lập, dù có xu hướng ủng hộ tăng cường hợp tác giữa Thụy Sĩ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như nâng cao năng lực quốc phòng. 

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, cuộc khảo sát trên do Học viện Quân sự (MILAK) và Trung tâm Nghiên cứu An ninh (CSS) thuộc Đại học ETH Zurich của Thụy Sĩ thực hiện.

Theo đó, có 55% số người được hỏi ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Thụy Sĩ với NATO, tăng 10 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát vào tháng 1/2022, và 53% cho rằng nguyên tắc trung lập không ngăn cản Thụy Sĩ lập kế hoạch phòng thủ quân sự với sự hợp tác của NATO.

Về năng lực quốc phòng, 78% ủng hộ nâng cao năng lực phòng thủ của quân đội Thụy Sĩ (tăng 3 điểm phần trăm so với tháng 1/2022), 76% kêu gọi trang bị đầy đủ hơn cho quân đội (tăng 6 điểm phần trăm so với tháng 1/2022). 14% cho rằng mức chi tiêu cho quân đội Thụy Sĩ hiện nay là “quá ít” (tăng 7 điểm phần trăm so với tháng 1/2022).

[Thụy Sĩ xem xét bán xe tăng Leopard 2 đã qua sử dụng cho Séc, Đức]

Về nguyên tắc trung lập của Thụy Sĩ, có 91% ủng hộ duy trì nguyên tắc này (giảm 6 điểm phần trăm so với tháng 1/2022).

Trong khi đó, việc gia nhập NATO chỉ được khoảng 30% số người được khảo sát ủng hộ. Hầu hết người Thụy Sĩ (không thay đổi ở mức 57%) vẫn ủng hộ nguyên tắc “trung lập có phân biệt” - Thụy Sĩ vẫn trung lập về mặt quân sự nhưng có quan điểm khác về cấp độ chính trị.

Quan điểm này phù hợp với chính sách của Thụy Sĩ trong thời gian qua: áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine, nhưng từ chối cho phép xuất khẩu vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất sang Ukraine.

Cuộc khảo sát “An ninh 2023” nằm trong chương trình khảo sát dư luận hằng năm về các vấn đề chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng, để đánh giá các xu hướng dài hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục