Phần Lan chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định việc Phần Lan gia nhập NATO là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp khối quân sự củng cố sức mạnh.
Phần Lan chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ảnh 1Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) trao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) tại buổi lễ ở Brussels, Bỉ ngày 4/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/4, Phần Lan đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã hoàn tất thủ tục gia nhập với việc ký và bàn giao văn kiện chính thức cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.

Trong một phát biểu sau đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cho biết: “Phần Lan hôm nay đã trở thành thành viên NATO. Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử đất nước đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu. Mỗi quốc gia phải đảm bảo tối đa an ninh của chính mình và Phần Lan cũng vậy.”

Ngoài ra, ông Niinisto khẳng định Phần Lan sẽ đóng góp vào khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO trong tương lai.

Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định việc Phần Lan gia nhập NATO là một bước thắt chặt an ninh cho chính quốc gia này, đồng thời giúp khối quân sự củng cố sức mạnh.

Ông Stoltenberg cho rằng khối quân sự này đang bước vào kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược với những thách thức hoàn toàn mới.

Theo người đứng đầu NATO, việc kết nạp thêm thành viên giúp NATO an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và khu vực châu Âu-Đại Tây Dương ổn định hơn.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh việc Phần Lan gia nhập NATO là một "ngày lịch sử."

Phần Lan chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ảnh 2Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) trong cuộc gặp Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu ngày 4/4 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh việc Phần Lan gia nhập NATO làm tăng nguy cơ xung đột tại Ukraine tiếp tục leo thang.

Điện Kremlin tuyên bố sẽ buộc phải thực hiện "các biện pháp đáp trả" đối với diễn biến mới này.

Trước đó, năm 2022, ông Shoigu cho biết Nga đang thực hiện các biện pháp đối phó thích hợp và sẽ thành lập 12 đơn vị và sư đoàn ở Quân khu phía Tây.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố Nga sẽ tăng cường lực lượng ở phía Tây và Tây Bắc. Đây không phải là lần đầu Nga tuyên bố điều chỉnh lại quân đội nếu Phần Lan gia nhập NATO.

Việc NATO mở rộng đến Phần Lan - quốc gia có đường biên giới dài 1.340km với Nga, sẽ khiến cho đường biên giới của khối với cường quốc hạt nhân phía Đông dài thêm gần gấp đôi.

[Thổ Nhĩ Kỳ chính thức chấp thuận Phần Lan gia nhập NATO]

NATO cho biết trước mắt họ chưa có ý định tăng cường sự hiện diện ở Phần Lan.

Song quốc gia Bắc Âu này cũng có lực lượng quân dự bị lớn và đang đầu tư mạnh vào trang thiết bị mới, bao gồm hàng chục chiến đấu cơ F-35 do Mỹ sản xuất.

Ngân sách quân sự hằng năm của Phần Lan là khoảng 6 tỷ USD để hỗ trợ lực lượng vũ trang thường trực khoảng 23.000 người.

Phần Lan chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ảnh 3Xe tăng Leopard của quân đội Phần Lan tham gia một cuộc tập trận. (Ảnh: Reuters)

Phần Lan đã chi hơn 2% GDP vào quốc phòng, đáp ứng mục tiêu mà NATO đặt ra cho các quốc gia thành viên vào năm 2014. Mức chi này có thể sớm được điều chỉnh tăng lên trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo Chỉ số Global Fire Power, quân đội Phần Lan được đánh giá có sức mạnh đứng thứ 51 trên thế giới.

Phần Lan và Thuỵ Điển đã chấm dứt chính sách không liên kết quân sự kéo dài nhiều thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO năm ngoái.

Đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022.

Để chính thức trở thành thành viên của NATO, đơn xin gia nhập của hai nước này phải được toàn bộ 30 nước thành viên liên minh phê chuẩn.

Trước đó, ngày 27/3, Quốc hội Hungary, do đảng Fidesz cánh hữu của Thủ tướng Viktor Orban chiếm đa số, đã phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan vào NATO sau nhiều tháng trì hoãn.

Quốc hội Hungary đã chấp thuận kết nạp Phần Lan vào NATO với 182 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Với kết quả này, hiện 29/30 quốc gia thành viên NATO đã phê chuẩn văn kiện kết nạp Phần Lan.

Tiếp đó, ngày 1/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xác nhận quyết định của quốc hội nước này phê chuẩn Phần Lan gia nhập NATO.

Sắc lệnh của Tổng thống Erdogan nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định phê chuẩn nghị định thư ngày 5/7/2022 về việc Phần Lan gia nhập NATO./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục