Trong nhiều năm qua, Phần Lan đã trở thành một tấm gương sáng về hệ thống giáo dục thành công, đứng đầu các bảng xếp hạng quốc tế về tỷ lệ biết chữ và biết tính toán.
Do đó, việc Phần Lan đang bắt tay vào một trong số những chương trình cải cách giáo dục cấp tiến nhất được thực hiện bởi một quốc gia, trong đó loại bỏ hình thức 'dạy theo môn học' và thay vào đó là 'dạy theo chủ đề' đang thu hút rất nhiều sự chú ý.
"Đó sẽ là một thay đổi lớn trong giáo dục Phần Lan, và đây chỉ là bước khởi đầu của chúng tôi," Liisa Pohjolainen, người phụ trách giáo dục thanh thiếu niên và người lớn ở Helsinki, thành phố thủ đô đi đầu trong chương trình cải cách này, cho biết.
Theo Independent, các bài học theo từng môn - chẳng hạn 1 giờ học lịch sử vào buổi sáng, 1 giờ học địa lý vào buổi chiều - hiện đã và đang bị loại bỏ khỏi chương trình đào tạo cho các học sinh 16 tuổi tại các trường học trong thành phố. Chúng đang được thay thế bởi mô hình được người Phần Lan gọi là giảng dạy theo "hiện tượng" - hay giảng dạy theo chủ đề.
Chẳng hạn, một thiếu niên tham gia một khóa học nghề có thể đăng ký học các giờ học về "dịch vụ quán ăn," trong đó có các yếu tố toán học, ngôn ngữ (để giúp phục vụ cho các khách hàng nước ngoài), kỹ năng viết và giao tiếp.
Những học sinh theo đuổi các khóa học có tính học thuật hơn sẽ được dạy về các chủ đề xuyên môn học, như về Liên minh châu Âu chẳng hạn - trong đó các yếu tố về kinh tế, lịch sử (của các nước có liên quan), ngôn ngữ và địa lý sẽ được tích hợp lại.
Ngoài ra còn có những thay đổi khác, chẳng hạn như đối với mô hình truyền thống trong đó các học sinh ngồi thành hàng một cách thụ động trước mặt thầy cô giáo để nghe giảng hoặc đợi cho tới khi được hỏi tới. Thay vào đó, sẽ có một cách tiếp cận kết hợp hơn, trong đó các học sinh sẽ làm việc theo những nhóm nhỏ để giải quyết các vấn đề, đồng thời cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Marjo Kyllonen, giám đốc giáo dục của Helsinki, người sẽ trình bày kế hoạch thay đổi của mình trước hội đồng vào cuối tháng này, cho biết: "Không phải chỉ Helsinki, mà toàn bộ Phần Lan sẽ đón nhận thay đổi.
"Chúng tôi thực sự cần suy nghĩ lại về giáo dục và thiết kế lại hệ thống, sao cho nó có thể chuẩn bị cho con em chúng ta trong tương lai bằng việc trang bị những kỹ năng cần thiết cho hôm nay và ngày mai.
"Có những trường học đang dạy theo cách thức truyền thống, vốn chỉ phát huy hiệu quả vào khoảng đầu những năm 1900 - nhưng giờ nhu cầu đã không còn như trước, và chúng ta cần điều gì đó phù hợp hơn với thế kỷ 21."
Tuy nhiên, công cuộc cải cách cũng đã gặp phải nhiều ý kiến phản bác từ các giáo viên và cán bộ phụ trách. Nhiều người trong số họ đã dành cả cuộc đời để tập trung vào một môn học cụ thể nào đó, để rồi bị bắt phải thay đổi cách thức tiếp cận của mình.
Chị Kyllonen đã và đang vận động về một cách tiếp cận "đồng giảng dạy" đối với việc lập giáo án, với ý kiến đóng góp từ nhiều giáo viên chuyên môn khác nhau. Những giáo viên đón nhận hệ thống mới có thể được hưởng một khoản tăng lương nhỏ.
Khoảng 70% các trường cấp 3 của thành phố hiện giờ đã được đào tạo để áp dụng phương pháp tiếp cận mới, Pasi Silander, giám đốc phát triển của thành phố cho biết.
"Chúng tôi thực sự đã thay đổi tâm thế," ông nói. "Khá khó để thúc đẩy các giáo viên bắt đầu và thực hiện những bước đầu tiên... song những giáo viên đã áp dụng cách tiếp cận mới đều nói rằng họ không muốn quay lại kiểu cũ."
Những dữ liệu ban đầu cho thấy học sinh cũng đang được hưởng lợi từ cải cách. Trong vòng 2 năm kể từ khi mô hình giảng dạy mới được giới thiệu, "sản phẩm giáo dục" của học sinh - người Phần Lan thích dùng từ này hơn từ 'kết quả' - đã được cải thiện./.