Thời gian gần đây, sự xuất hiện của các nhà bán lẻ quốc tế với hoạt động mở rộng quy mô liên tục đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.
Bên cạnh đó, hội nhập cũng diễn ra rất sâu rộng, đặc biệt là việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), đây là những hiệp định có cam kết mạnh mẽ về mở cửa thị trường bán lẻ cũng như xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan đối với hàng hóa cũng khiến ngành bán lẻ Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn.
Đe dọa “miếng bánh” thị phần
Thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá có tốc độ phát triển ấn tượng và hấp dẫn trên thế giới. Trong khoảng thời gian từ 2011-2015, tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng cả nước luôn tăng trưởng dương. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2015 xấp xỉ 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm tới 76,2% tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu dùng, bằng 163% so tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2011 (1,6 triệu tỷ đồng).
Nói về "miếng bánh" thị trường, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, các nhà bán lẻ nước ngoài đang tranh chấp thị phần với bán lẻ nội địa ở các mô hình bán lẻ hiện đại (trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi).
Theo thống kê, các mô hình bán lẻ hiện đại (tính chung cho tất cả các trường hợp) đang chiếm khoảng 25-30% thị phần bán lẻ Việt Nam. Như vậy, 70%-75% thị phần còn lại đang thuộc về các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa mà hiện vẫn chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ nội địa.
Tuy nhiên, bà Loan thẳng thắn cảnh báo, trong quá trình hội nhập WTO , các nhà bán lẻ Việt Nam đã bộc lộ những điểm yếu về lao động, tính chuyên nghiệp, năng lực quản lý, công nghệ kiểm soát quy trình… Những hệ quả đầu tiên đã được nhận diện, khi mà một số lượng đáng kể các doanh nghiệp bán lẻ rời khỏi thị trường cũng như những khó khăn của các nhà sản xuất nội trong việc đưa hàng hóa vào các hệ thống bán lẻ nước ngoài.
Theo Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế tới cuối năm 2015, cả nước có 1.735 dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa môtô-xe máy, với tổng vốn đăng ký là hơn 4,6 tỷ USD, đứng trong nhóm 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.
Nguy cơ từ hàng nhập khẩu không quá nghiêm trọng
Trong một nghiên cứu điều tra mới đây nhất do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy hàng nội địa hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng đa số trong tổng nguồn hàng của doanh nghiệp, cao gấp đôi so với nguồn hàng nhập khẩu.
Phân tích vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho rằng với các Hiệp định mới ký kết (TPP, EVFTA…), hàng hóa từ các nước đối tác (trong đó có bốn đối tác mới là Mỹ, Canada, Mexico, Peru và 28 nước thuộc Liên minh châu Âu, 5 nước trong khối Liên minh Á-Âu, đáng kể là có Nga) chắc chắn sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam một cách thuận lợi hơn, cạnh tranh hơn. Đó là một nguồn bổ sung đáng kể cho đầu vào bán lẻ ở Việt Nam.
Song bà Loan có cái nhìn khá tích cực và cho rằng, hàng hóa từ các nước đối tác này phần lớn sẽ không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa của Việt Nam hoặc nếu có cạnh tranh là do cùng chủng loại (nhưng thường thuộc phân khúc thị trường khác và thường cao hơn so với phân khúc bình dân do nhà sản xuất nội địa cung cấp).
Đồng tình với ý kiến trên, bà Trang cho rằng, nguy cơ hàng hóa nội địa phải chia sẻ thị phần với nhóm hàng nhập khẩu từ các đối tác này trong tương lai khi các hiệp định thương mại tự do này có hiệu lực là có, nhưng không đến mức quá nghiêm trọng.
Bà Trang dự báo, trong thời gian tới, trừ khi xảy ra sự kiện đột biến, sẽ không có thay đổi đột ngột và gây sốc nào về tỷ trọng nguồn hàng nhập khẩu trong tổng nguồn hàng bán lẻ ở Việt Nam nói chung và trong các cơ sở bán lẻ thuộc sở hữu của các nhà bán lẻ nước ngoài nói riêng. Vì vậy, khả năng hàng hóa nhập khẩu theo chân các nhà bán lẻ nước ngoài chi phối hay thống lĩnh toàn bộ thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới rất ít có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, bà Trang cũng nhấn mạnh “nếu hàng Việt Nam không được cải thiện về chất lượng, không tận dụng được các lợi thế về khoảng cách, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không thu hút được người tiêu dùng Việt thì bị hàng nhập khẩu chiếm mất thị phần là có. Tuy nhiên, đó là do người tiêu dùng quyết định, hoàn toàn không phải vì số lượng các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường cũng như hành động của họ.”
So sánh với khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì các nhà bán lẻ Việt Nam mặc dù vẫn có thể cạnh tranh song về một số khía cạnh bắt đầu đã tỏ ra yếu thế.
Bà Trang đưa ra một số khuyến nghị chính sách, thách thức trước hết đặt lên vai của mỗi doanh nghiệp và chủ thể kinh doanh bán lẻ. Tuy nhiên, từ góc độ chính sách, Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp để đẩy nhanh quá trình này, đặc biệt ở các khía cạnh mà từng chủ thể đơn lẻ khó có thể khắc phục hoặc có thể làm được nhưng chi phí lại quá lớn.
“Trong tổng thể, những hỗ trợ của Nhà nước sẽ có ý nghĩa lớn trong định hướng phát triển ngành bán lẻ một cách hệ thống và trong lâu dài, tránh được tình trạng phát triển manh mún, tự phát và thiếu bền vững như hiện nay,” bà Trang nói./.