Phản hồi của Sconnect về bài viết YouTube xóa hơn 3.000 video hoạt hình Wolfoo

Sau khi Báo điện tử VietnamPlus đăng bài viết “YouTube đã xóa hơn 3.000 video hoạt hình Wolfoo do Sconnect sản xuất”, phía Công ty Sconnect đã có thông tin phản hồi.

Bộ phim hoạt hình Wolfoo. (Ảnh: Sconnect)
Bộ phim hoạt hình Wolfoo. (Ảnh: Sconnect)

Sau khi Báo Điện tử VietnamPlus đăng bài viết “YouTube đã xóa hơn 3.000 video hoạt hình Wolfoo do Sconnect sản xuất” ngày 10/11 đề cập tới vụ tranh chấp bản quyền giữa chủ sở hữu của hai bộ nhân vật hoạt hình nổi tiếng là Wolfoo (do Sconnect sở hữu) và Peppa Pig (do Entertaiment One UK - gọi tắt là eOne hay EO sở hữu), phía Công ty Sconnect đã có thông tin phản hồi.

Để cung cấp thông tin đa chiều đến độc giả, Báo Điện tử VietnamPlus xin đăng nội dung phản hồi của Công ty Sconnect về bài viết YouTube đã xóa hơn 3.000 video hoạt hình Wolfoo do Sconnect sản xuất”.

Theo thông tin từ phía Sconnect, trong nội dung bài viết này có một số chi tiết không chính xác, cụ thể là các nội dung: “hình ảnh nhân vật Peppa Pig còn bị sử dụng trái phép trong tập phim Wolfoo (đã được YouTube gỡ bỏ) như hình bên dưới, thể hiện rõ ràng ý định của SConnect trong việc "vay mượn" các yếu tố của series phim Peppa Pig”; “Việc các tập phim Wolfoo, được biết đến là sáng tạo và sản xuất độc lập tại Việt Nam, có nhiều bối cảnh tương đồng ở mức độ cao với một series phim hoạt hình nước ngoài như Peppa Pig là hoàn toàn bất hợp lý và mang dụng ý xấu.”

Theo phản hồi từ phía Sconnect, bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo do Sconnect sản xuất và sở hữu, phát hành từ năm 2018 tới nay trên các nền tảng toàn cầu như YouTube, Facebook và TikTok, cùng các nền tảng truyền hình, OTT/IPTV tại nhiều quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu; khai thác quyền thương mại nhãn hiệu, hình ảnh tại Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ… và đang mở rộng trên nhiều lĩnh vực.

Vụ tranh chấp bản quyền giữa Wolfoo và Peppa Pig diễn ra từ đầu năm 2022 tới nay, chủ sở hữu của hai bộ nhân vật là Sconnect và eOne đã và đang khởi kiện lẫn nhau tại tòa án các nước Liên bang Nga, Vương quốc Anh và Việt Nam.

Trong vụ kiện tại Liên bang Nga, ngày 11/01/2022, eOne nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Moskva, cáo buộc bộ nhân vật Wolfoo là sản phẩm làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig, cáo buộc Sconnect vi phạm bản quyền tạo tác phẩm phái sinh và đăng tải trái phép lên các trang mạng điện tử.

Tháng 07/2022, dựa trên ý kiến thẩm định, đánh giá của các chuyên gia văn học nghệ thuật Nga khẳng định: “bộ nhân vật Wolfoo không phải làm lại từ bộ nhân vật Peppa Pig”, Tòa án Moskva đã ra quyết định chấp thuận cho eOne rút đơn kiện và phán quyết “Entertainment One UK Limited không được khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”.

Sau khi eOne tự rút đơn kiện, tháng 8/2022, Sconnect Việt Nam nộp đơn khởi kiện eOne tại Tòa án Moskva yêu cầu bồi thường các tổn thất do eOne gây ra do vụ kiện. Tòa án Moskva đã xét xử trong 3 phiên, sau đó ra phán quyết chấp nhận một phần các yêu cầu của Sconnect và tuyên eOne phải nộp 240.000 RUB cho Tòa án Nga để bồi thường cho “cha đẻ” của Wolfoo.

Trong vụ kiện tại Anh, ngày 24/02/2022 eOne nộp đơn khởi kiện ra Tòa án cấp cao Vương quốc Anh để cáo buộc về nội dung Sconnect có các vi phạm bản quyền trong 91 video gồm: (1) Bộ nhân vật Wolfoo là đạo nhái ý tưởng của Bộ nhân vật Peppa Pig; (2) Sử dụng hình ảnh Peppa Pig trong video Wolfoo; Sử dụng âm thanh sao chép từ Peppa Pig trong Video Wolfoo; (3) Sử dụng tên “Peppa Pig” trong tiêu đề video Wolfoo và (4) Hình nền/background sao chép của Peppa Pig. Hai bên đã tiến hành trao đổi các vấn đề theo thủ tục tố tụng tại Anh và tòa án vẫn chưa xét xử.

Tại Việt Nam, Sconnect đang tiến hành đồng thời khiếu kiện eOne trong 3 vụ kiện:

Cuối tháng 3/2022, Sconnect đã nộp đơn Khiếu nại lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam để khiếu nại về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của eOne theo Luật Cạnh tranh Việt Nam. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Việt Nam đã tiếp nhận vụ việc và củng cố các chứng cứ.

Tháng 8/2022, Sconnect nộp Đơn khởi kiện eOne lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội về hành vi sử dụng nhãn hiệu Wolfoo làm thẻ tag trong trong các video Peppa Pig mà chưa được sự đồng ý của Sconnect. Hành vi của eOne đã vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam gây thiệt hại về Thương mại và Danh tiếng cho Sconnect và Wolfoo. Tháng 05/2023 Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án và tiến hành Ủy thác tư pháp tới eOne.

Ngày 14/9/2022, Sconnect tiếp tục gửi đơn khởi kiện eOne lên Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội vụ án thứ 2. Sconnect khởi kiện eOne vì hành vi xâm hại quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phim hoạt hình, tác phẩm mỹ thuật ứng dụng Wolfoo; yêu cầu eOne chấm dứt hành vi xâm hại và bồi thường thiệt hại. Hiện nay Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ra thông báo có thẩm quyền giải quyết vụ việc và yêu cầu Sconnect nộp án phí cho vụ kiện, Sconnect đã hoàn thành nghĩa vụ nộp án phí ngay khi có thông báo.

Đặc biệt tại Tòa án Anh, eOne chỉ khiếu kiện 91 video Wolfoo, nhưng đã dùng đơn khởi kiện để đánh bản quyền khiến YouTube gỡ 3.500 video Wolfoo (trong đó hầu hết là các video không liên quan tới vụ khiếu kiện).

Cho đến nay eOne vẫn chưa có bất cứ chứng cứ nào xác định được tác phẩm Peppa Pig nào của mình bị xâm phạm bản quyền và chứng cứ nào chứng minh cho quyền sở hữu của eOne đối với các tác phẩm trong suốt thời gian khởi kiện vài năm qua, mặc dù Sconnect đã yêu cầu và khiếu nại với tòa án Vương Quốc Anh về vấn đề này.

phan hoi 2.jpg
(Ảnh: Sconnect)

“Các video Wolfoo bị eOne cáo buộc cũng đã bị YouTube xóa và không còn tồn tại trên nền tảng. Những video Wolfoo sản xuất mới từ khi vụ tranh chấp xảy ra đã được Sconnect rà soát loại bỏ hết các yếu tố đang còn tranh chấp để hạn chế rủi ro, song eOne tiếp tục đánh bản quyền các video không liên quan tới vụ kiện tại Anh”, đại diện Sconnect nhấn mạnh.

Như vậy cho đến nay, vụ kiện tại Nga đã kết thúc, các vụ kiện tại Tòa án Anh và Việt Nam chưa đưa ra xét xử, chưa có bất cứ phán quyết nào của Tòa án tuyên bố rằng Sconnect vi phạm và hình ảnh thể hiện trong phim hoạt hình Wolfoo được coi là sao chép từ phim hoạt hình Peppa Pig.

Cũng theo phản hồi từ Sconnect, trong thời gian diễn ra vụ tranh chấp, eOne đã thực hiện phản đối toàn bộ các đơn đăng ký nhãn hiệu Wolfoo của Sconnect tại quốc tế. Tại Nga, Wolfoo đã được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “chữ Wolfoo.” Đối với nhãn hiệu “Wolfoo hình,” eOne thực hiện phản đối với cơ quan đăng ký, tuy nhiên do vụ kiện tại Nga đã kết thúc nên Sconnect không có thêm động thái gửi phản đối tại Nga. Việc các bên thực hiện phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu là thủ tục thông thường, nên việc phản đối nhãn hiệu tại Nga không đồng nghĩa với việc mất quyền sở hữu bản quyền Wolfoo như chi tiết đã được đề cập tại bài báo “YouTube đã xóa hơn 3.000 video hoạt hình Wolfoo do Sconnect sản xuất”.

Tại Châu Âu, eOne đã phản đối toàn bộ các đơn đăng ký nhãn hiệu Wolfoo, song vào ngày 28/7/2023 Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Liên minh Châu Âu (EUIPO) đã ra quyết định lần 1 về việc bác bỏ lập luận của eOne về việc phản đối đăng ký nhãn hiệu của Sconnect.

Trong thời gian qua, eOne không chỉ làm gián đoạn, ngưng trệ hoạt động kinh doanh của Sconnect về mặt bản quyền trên YouTube mà còn chèn ép cả trong thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế.

Hiện nay, nhãn hiệu Wolfoo đã được đăng ký thành công tại Việt Nam, đang chờ thẩm định tại Châu Âu, Mỹ.

Về đăng ký bản quyền tác giả, bộ nhân vật Wolfoo đã thực hiện đăng ký quyền tác giả kịch bản, bộ nhân vật, hình ảnh nghệ thuật tại Mỹ, Việt Nam và một số quốc gia khác.

Phía Sconnect khẳng định đã thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích đúng pháp luật. Theo đó, trong suốt 2 năm theo đuổi các vụ khiếu kiện vi phạm bản quyền, Sconnect đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội Truyền thông Số Việt Nam để báo cáo và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ liên hệ, làm việc với YouTube và Google để yêu cầu đơn vị này chấm dứt việc gỡ bỏ video của Sconnect một cách vô căn cứ, khi chưa có bất cứ bản án nào tuyên các nội dung Wolfoo vi phạm bản quyền.

Cụ thể, Hội Truyền thông Số Việt Nam đã hai lần gửi văn bản cho Google đề nghị xem xét một cách khách quan, kỹ lưỡng, ngừng tiếp nhận các yêu cầu đánh bản quyền các video Wolfoo trong thời gian Tòa án các nước đang thụ lý giải quyết vụ tranh chấp.

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) và Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã gửi văn bản tới Google và YouTube đề nghị nền tảng xuyên biên giới xem xét kỹ lưỡng các vấn đề Sconnect đã nêu trong các báo cáo gửi các cơ quan liên quan. Đồng thời, cơ quan nhà nước của Việt Nam cũng đề nghị YouTube khôi phục lại các kênh, các video Wolfoo đã bị xóa, bị khóa, bị chặn đăng tải nội dung mới cho tới khi có phán quyết của Tòa án.

Các hồ sơ liên quan tới vụ tranh chấp được Sconnect thường xuyên báo cáo, cập nhật tới cơ quan chức năng để nắm bắt thông tin và hỗ trợ giải quyết.

Về căn cứ gỡ bỏ nội dung trên nền tảng mạng xã hội theo quy định pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định pháp luật Việt Nam hiện nay tại Điều 114 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về Quyền Tác giả, quyền liên quan thì quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy cập tới nội dung thông tin của doanh nghiệp cung cấp dich vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cần tuân thủ theo quy định này.

Do đó trường hợp có tranh chấp về bản quyền một sản phẩm số đang được phát hành trên mạng xã hội thì mạng xã hội có nội dung đăng tải đang bị tranh chấp về bản quyền (sau gọi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian) này cần tuân thủ quy trình gỡ bỏ cụ thể: Trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn và phải thông báo cho bên yêu cầu và bên có nội dung thông tin số bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn về việc đã tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên yêu cầu cung cấp.

Tuy nhiên nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tạm gỡ bỏ nội dung thông tin số mà nhận được thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ kèm theo tài liệu chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp thì trong thời gian 72 giờ kể từ khi nhận được thông báo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cần khôi phục lại nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ đó.

Vì vậy, trong trường hợp nếu bên bị gỡ bỏ nội dung số đã có văn bản và tài liệu chứng cứ gửi kèm yêu cầu phản đối với việc gỡ bỏ nội dung số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thì theo luật Việt Nam, phía cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm khôi phục lại toàn bộ nội dung đã xóa cũng như không được phép xóa những nội dung hiện đang thuộc bản quyền của mình.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục