Phấn đấu vì mục tiêu lớn trong chính sách tiền tệ

Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế 6,5% là mục tiêu lớn của ngành tài chính.
Việc tăng trưởng tín dụng thiếu ổn định trong thời gian qua đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và áp lực cho việc kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Ngày 5/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này.

- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong tháng Chín tới 4,5% là bất thường, trong khi các tháng khác chỉ dưới 3%, xin thống đốc giải thích về con số này?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Tính tới ngày 29/9, tín dụng chỉ tăng trưởng có 2,48%, không tăng đột biến tới 4,5%. Ủy Ban Kinh tế Quốc hội đã đồng ý sẽ rút lại số liệu này.

Nếu tăng trưởng tín dụng trên 4% sẽ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, nhưng chỉ tăng trưởng tín dụng 2,48% trong tháng Chín là hoàn toàn bình thường. Thứ hai, có ý kiến cho rằng, việc tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua ảnh hướng tới một số ngành như phân bón, điện, giấy nhưng tới nay, chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào từ phía các ngành này.

Tuy nhiên, chúng ta phải luôn nhớ rằng, muốn tập trung ổn định kinh tế vĩ mô thì chỉ tiêu của một số ngành phải nằm trong giới hạn nào đó. Nghị quyết 18 của Chính phủ đã nêu rất rõ, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%. Đó là mục tiêu lớn, còn nhu cầu của xã hội là vô cùng.

- Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tới trên 40% trong khi VND chỉ hơn 14% trong chín tháng, đây có phải là điều bất thường?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Thực tế, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ là 44%, còn VND là 14,5%. So với các năm, diễn biến có khác nhưng không bất thường. Theo quy luật hàng năm, nguồn ngoại tệ huy động được nhiều nhưng nhu cầu vay ít, phải chuyển ra nước ngoài gửi tiền. Năm nay, nhu cầu vay ngoại tệ tăng lên, đó là điều bình thường.

Quan trọng là việc điều hành chính sách của Chính phủ đến nay vẫn ổn định. Các bộ, ngành đã phối hợp ngày càng tốt hơn trong việc kiểm soát nhập siêu, đó là vấn đề cốt lõi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn lắng nghe và tiếp thu tất cả các ý kiến để đưa ra các phương án, nhưng chúng ta không nên quá cường điệu hóa vấn đề.

- Thông thường, nhu cầu ngoại tệ thường tăng vào dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để giảm bớt căng thẳng cho thị trường này?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Tôi không nghĩ như thế, không có số liệu nào cho thấy doanh số xuất-nhập khẩu tăng nhanh đột biến trong những tháng cuối năm. Điều quan trọng hơn cả là kiểm soát tỷ lệ an toàn. Tôi đã trao đổi với các ngân hàng lớn về việc cho vay ngoại tệ, họ có sự tính toán, kiểm soát rất chặt chẽ. Ví dụ, cho vay doanh nghiệp xuất khẩu thì ngân hàng đã nắm chắc phần nguồn ngoại tệ thu về, trong trường hợp cho doanh nghiệp nhập khẩu vay ngoại tệ thì cũng có các điều kiện đảm bảo. Hiện trình độ quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng đã được nâng lên khá cao.

- Hiệp hội ngân hàng vừa kêu gọi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất từ ngày 15/10, xin Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ gì các ngân hàng thương mại trong việc này?

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Tôi rất hoan nghênh với sự đồng thuận đó của các ngân hàng. Vai trò của Hiệp hội ngày càng có vị thế lớn hơn trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, mọi việc họ làm đều có sự thăm dò, nghiên cứu thị trường. Vừa qua, các ngân hàng cũng đã góp ý rất nhiều cho việc ban hành Thông tư 13, 19.

Còn Ngân hàng Nhà nước luôn hỗ trợ các ngân hàng thương mại nhưng tùy theo diễn biến của nền kinh tế, thị trường. Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động, linh hoạt và thận trọng. Về lãi suất trái phiếu cao trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có phối hợp tương đối tốt trong những tháng gần đây, mức lãi suất phát hành trái phiếu sẽ hợp lý hơn./.

Hữu Vinh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục