Tổng chi Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi Ngân sách Nhà nước.
Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.
Đây là một trong những mục tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Nghị quyết vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành.
Nghị quyết nêu rõ: tổng thu Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào Ngân sách Nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
[Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025]
Tổng chi đầu tư phát triển nguồn Ngân sách Nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300.000 tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ bội chi Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.
Tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148.000 tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về Ngân sách Nhà nước; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35.300 tỷ đồng.
Về hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết nêu rõ: tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ năm sau không vượt quá tốc độ tăng GDP danh nghĩa của năm trước, riêng hạn mức bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm; hạn mức rút vốn ròng các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cả giai đoạn không quá 76.500 tỷ đồng và hạn mức rút vốn các khoản Chính phủ vay về cho vay lại không quá 222.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn nợ công với các mục tiêu: trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP; ngưỡng cảnh báo là 55% GDP. Trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP. Trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại) không quá 25% tổng thu Ngân sách Nhà nước. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong đó, chấp hành nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước; thực hiện các giải pháp khả thi để đạt tỷ lệ huy động cao hơn vào Ngân sách Nhà nước, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu Ngân sách Nhà nước.
Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển; bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội; ưu tiên cho giáo dục-đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Các nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo là đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong nước và ngoài nước, bố trí thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ và hệ số tín nhiệm quốc gia; triển khai công cụ quản lý nợ Chính phủ theo quy định phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn với quản lý Ngân sách Nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, bảo đảm hiệu quả, an toàn và thanh khoản của Ngân sách Nhà nước; tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện đồng bộ cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch; ban hành các định mức kinh tế-kỹ thuật làm cơ sở cho việc xác định giá dịch vụ sự nghiệp công.
Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước so với năm 2021; giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, hoàn thiện các thể chế về quản lý, sử dụng tài sản công chuyên ngành phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường quản lý tài chính, Ngân sách Nhà nước, nợ công theo kế hoạch trung hạn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch tài chính với kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay, trả nợ công./.